ngày tháng năm

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

DÁN NHÃN

Hiếu Thịnh

Nhóm học hỏi GHXH chúng tôi có một anh bạn rất vui tính, thẳng thắn và nhiệt tình. Bề ngoài trông rất thoáng nhưng ít ai ngờ anh ấy lại chứa một bụng những kinh nghiệm thuộc kiểu "chuyện đời khó nói". Chẳng biết vì có "máu tang bồng" hay bất đắc dĩ vì công việc, mà khi kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới, chị vợ thống kê thời gian anh ở nhà chưa được một phần ba con số 20 năm ấy! Anh yên tâm đi làm xa nhà, có lẽ cũng nhờ cái phúc trời ban cho một chị vợ vừa đoan thục lại vừa giỏi giang.

Dọc miền đất nước từ Bắc chí Nam, hầu như vùng nào anh cũng đã đến, đã ở, nếu không am tường tập tục thì cũng "quen nước quen cái". Sau những buổi học, chúng tôi thường nán lại với nhau bên quán cóc nhỏ, "chia sớt" đủ chuyện "trong nhà ngoài phố". Những câu chuyện anh kể thường gây cho người nghe ít nhiều suy nghĩ.

Anh kể, có thời anh sống ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tại đây có một xã (xin không nêu tên) gần như toàn tòng Công Giáo. Hiện nay cả xã chỉ có 2 hộ không phải là người Công giáo. Tuy ở thôn quê nhưng trong các Thánh lễ, mọi người đều ăn mặc rất chỉnh tề, tinh tươm như dân công chức. Đàn ông đạo mạo với áo sơmi tay dài, quần tây đóng thùng, phụ nữ đa phần là áo dài thướt tha. Giáo dân nơi đây tự hào kể rằng lượng người rước Lễ gần như đạt 100%! (Tôi chợt nhớ đến khẩu hiệu "đạt chỉ tiêu 100% tốt nghiệp", "100% các hộ thuộc gia đình văn hóa"...). Càng tự hào cho họ hơn khi cha xứ hiện nay là một cha trẻ khoảng 35 tuổi, đã du học 7 năm ở Pháp về. Chưa hết, đáng nể hơn là ca đoàn và người lên đọc Sách Thánh "hay và sang" ngang tầm các nhà thờ lớn nơi đô thị, cũng cập nhật cách phụng vụ mới như lên đọc Sách và hát solo trên cung thánh. Nói chung, đây là một xã khá hiện đại và có đời sống kinh tế nhìn bề ngoài là khá (Anh cười giải thích thêm: "Người Miền Bắc nhìn bên ngoài đôi khi khó đoán lắm!"). Người Công giáo ở Nghệ An "tự gọi" và cũng "được gọi" là "dân giáo".

Chuyện bắt đầu hấp dẫn đây! Anh hào hứng kể tiếp:

- Người trong xã kể rằng: Con em của họ đi học nơi xa (Hà Nội, Saigòn...) khi lấy vợ lấy chồng đa phần phải chọn người Công giáo, vì nếu lấy người khác đạo thì xem như "vứt đi", gia đình và làng xã không ủng hộ và gần như tỏ thái độ loại trừ. Mùa hè mà các cô đi học xa không về thăm gia đình, nhất định sẽ bị đồn thổi là "chắc nó chửa hoang nên không về"!

Tôi giật mình hú vía! May mà "nhà tôi" không thuộc xã ấy, vì tôi là dân "tân tòng chính hiệu con nai vàng" nhờ phúc "nhà tôi" mà tôi biết Chúa! Cũng may mắn tôi không phải con gái xã ấy, nếu không, nhỡ hè không đủ tiền tàu xe, hay phải ở lại trường tranh thủ học thêm vài tín chỉ ngoại ngữ chắc cũng không xong!

- Khi tôi đi trên taxi đến xã – anh bạn tôi kể tiếp – nghe tên xã, cả 2 anh tài xế taxi (đi 2 lần) đều tỏ ra rất rành về xã này. Họ kể: "Xã này được coi là "Nước Tàu" thu nhỏ, xã chuyên làm hàng giả, họ rất giỏi, họ có thể làm mọi thứ."

Để minh chứng cho "thương hiệu" của xã, anh tài xế kể mẩu chuyện vui: Khi có khách đến nhà, các cháu nhỏ thường ra mời khách: "Các bác dùng bia gì, để cháu vào bảo mẹ cháu dán nhãn ạ!" (?!)

Ối chào! Cả nhóm cười vỡ bụng. Có thể đó chỉ là một câu chuyện tếu, nhưng cái xã toàn tòng Công Giáo chuyên sản xuất hàng giả ấy lại là chuyện có thật! Cười mà sao trong lòng nghe xót quá! Giọng anh bạn tôi chợt đổi ra bùi ngùi. Anh lại kể tiếp, kể về cái xã toàn tòng ấy, kể như để trút cho vơi những chuyện đời "khó hiểu":

- Tôi ngồi sau hè ngôi nhà một người quen, trước mặt là một nhánh sông (có lẽ đây là hệ thống thủy lợi do người dân tự đào). Ông bạn người địa phương và cũng là chủ nhà, chỉ ra nhánh sông nói với tôi: "Mai mốt nhà tôi sẽ lấn dần tới chỗ kia" (khoảng 2 hay 3 mét). Tôi mới ngạc nhiên hỏi: "Lấn vậy thì mất con sông à?". Ông bạn thản nhiên trả lời: "Ai cũng lấn, thì mình cũng phải lấn chứ, cứ lấn rồi chính quyền cũng làm ngơ". Trong đầu tôi thoáng qua ý nghĩ, đất ở đây mênh mông, họ ở không hết, vậy lấn làm gì nhỉ?!!!

Chuyện đời quả là "khó hiểu"! Ai bảo con sông nó không biết nói! (Ôi, chứ nó biết nói chắc đã bảo với anh bạn Công giáo kia rằng: "Chúa bảo anh "rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo", sao anh nỡ "giết" sông tôi!")

Anh bạn tôi dừng lại một chút, nhấm nháp ngụm cà phê, cao giọng nhận xét:

- Nói đi cũng phải nói lại. Khi tôi ở ngoài khách sạn gần xã, chuyện trò với những người xung quanh nhằm tìm hiểu về người Công giáo qua cách nhìn của những người không phải là "dân giáo" tại địa phương, họ không đánh giá những người "dân giáo" tốt hay xấu, nhưng cho biết những khu tệ nạn xã hội (hút, chích ma túy, đánh nhau - là chuyện hằng ngày ở huyện Diễn Châu) thì không nằm trong khu vực người "dân giáo". Cũng cám ơn Chúa – anh cười – tuy nhiên, họ cũng có một nhận xét làm ta phải suy nghĩ: theo họ, người "dân giáo" trước đây ít ai cho con học lên cao (đại học). Có lẽ đây là biện pháp giữ đạo trong những năm về trước ở khu vực phía Bắc, khi học hành đỗ đạt, họ phải quay về làm công chức nhà nước, nguy cơ xa rời đức tin là khó tránh. Ngày ấy không có nhiều cơ hội để chọn lựa, nhiều công ty tư nhân, công ty nước ngoài như ngày nay.

Anh lại dừng, làm tiếp một ngụm cà phê, mắt lim dim như đang nghĩ ngợi lung lắm. Chúng tôi yên lặng đợi chờ. Một chốc, anh lại kể tiếp:

- Anh bạn Công giáo ở Nghệ An có tâm sự với tôi: "Chúng tôi bị thể chế này làm hư. Trước đây, vào những năm đói kém, chúng tôi bị gọi đi lao động công ích. Tôi và anh bạn cùng làng (đều là người Công giáo), chỉ có 2 người nhưng khi báo suất ăn, chúng tôi lại báo 10 người, khi nhận suất ăn về, chúng tôi chỉ lựa thịt và cá để ăn, còn cơm thì cho vào bao đem chôn vì sợ bị lộ (những năm này đói ăn lắm, đem chôn cơm đúng là tội lớn). Còn khi đi đặt mìn làm đường, điểm cần phá mìn chỉ cần 2 đơn vị (không rõ là tính theo cân hay đơn vị khối lượng nào), chúng tôi lại báo 10 đơn vị, số mìn dư ra, buổi tối chúng tôi đặt mìn bắt cá. Con ba ba chết trắng dòng sông, đơn vị ăn không hết, bèn vớt đem chôn. Chẳng ai quản chúng tôi và chúng tôi phá thiên nhiên quá!

Nghe đến đây mọi người trầm tư, không ai cười được.

Đúng là thể chế này có những điều tệ hại thật, nhưng nếu tín hữu Kitô giáo dễ dàng bị đốn ngã như thế kể cũng đáng buồn!

Để khép lại câu chuyện về cái xã toàn tòng Công giáo ở Nghệ An, anh bạn tôi lại đưa ra một hình ảnh thay cho lời nhận xét:

- Tôi cũng đã từng đến Hội An. Đi lễ 9 giờ sáng ngày Chúa Nhật mà nhà thờ vắng hoe, giáo dân tham dự chưa đến 1/4 số ghế. Phụng vụ thánh lễ khá luộm thuộm. Đang dự Thánh Lễ trong nhà thờ của một thành phố có tiếng, thế mà tôi cứ tưởng đang ở vùng sâu vùng xa. Khác chăng là ngôi nhà thờ khá bề thế. Điều này cho thấy tỉ lệ người Công giáo nơi đây thấp, và việc phụng tự cũng chưa được người giáo dân chăm sóc cẩn thận. Thế nhưng, phải công nhận rằng người dân nơi đây rất lịch thiệp, nhã nhặn, buôn bán giá cả phải chăng, đặc biệt là đường phố rất sạch, ngay cả những khu nhà ở tận cùng trong kiệt (hẻm), chứng tỏ ý thức về cộng đồng, về công ích của họ rất cao...

Trời xế tà. Câu chuyện "không hồi kết" của anh bạn từng trải gieo vào lòng chúng tôi những dấu chấm hỏi (?), chấm than (!) thật lớn, và hình như đâu đó có cả những lời tự hối.

Tôi ra về, mà trong trí cứ vo ve hai từ "dán nhãn"! Lạy Chúa! Con chẳng hề ý thức trong cuộc đời con đã "dán nhãn" bao nhiêu lần? Và bao nhiêu lần con mượn cái "nhãn" của Chúa?

Trong mảng chiều, nắng vẫn đổ tràn trên vai tôi, bao dung, nhẹ nhàng.... Tôi thương Chúa quá! Người quá khoan dung, chẳng nỡ giận tôi dẫu tôi cứ vấp ngã lỗi lầm. Người vẫn tha thứ cho tôi mỗi tối, chẳng cần nhớ một ngày qua tôi đã bao lần lỗi phạm! Chúa ơi! Xin dẫn dắt con trên đời, giúp con thực hành giáo huấn Chúa vào cuộc sống! Bằng không, cuộc đời con theo Chúa chỉ là "dán nhãn"!!!

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks