Linh mục Fred Kammer, S.J.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội Dòng Tên
Đan Quang Tâm dịch
“Vậy tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa
trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế”
--Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40.
Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội mệnh danh liên đới là một nguyên tắc cốt lõi của giáo huấn xã hội Công giáo:
“Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày gắn bó hơn... Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu”.[1]
Nhiều người nối kết hạn từ “liên đới” với tác phẩm của Chân Phước Gioan Phaolô II, người đã khai triển rộng rãi khái niệm. Tuy nhiên, thuật từ đã được Công Đồng Vatican II sử dụng trong Hiến chế Gaudium et Spes khi thảo luận tính tương thuộc phổ quát và các quan hệ quốc tế, cũng như tính cộng đồng của con người được Đức Giêsu Kitô giáo huấn, cộng đồng tín hữu được Người thiết lập, và sự liên đới chung cuộc để được “đưa đến sự hoàn hảo” vào cuối của thời gian.[2] Khi soạn thảo Thông điệp Pacem in Terris trong thời gian diễn ra Công đồng, Chân Phước Gioan XXIII kêu gọi một “tình liên đới tích cực” mà “không thể tách rời khỏi công ích của toàn thể gia đình nhân loại”.[3]
Để triển khai hạn từ “bổn phận liên đới”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nối kết hành động vì công lý với đức tin. Đối với ngài, liên đới là sự đáp trả cơ chế theo đòi hỏi của tin mừng yêu thương. Liên đới, với tư cách là một nguyên tắc xã hội, liên quan đến những biến đổi cơ bản về kinh tế và xã hội.[4] Ngoài ra, trong một khẳng định đầy ấn tượng, Đức Giáo hoàng nói: “Không còn hồ nghi, liên đới là một nhân đức Kitô giáo”.[5]
Vậy tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội của quốc gia và quốc tế. Những “cơ chế ác tà” và những “cơ cấu tội lỗi” mà chúng ta đã nói đến, chỉ có thể bị khuất phục bởi việc thực thi tình liên đới mang tính nhân bản và Kitô giáo, mà Giáo hội kêu gọi chúng ta và không ngừng cổ võ. Chỉ có bằng cách này thì các năng lực tích cực đó mới được hoàn toàn giải phóng vì lợi ích của phát triển và hòa bình.[6]
Tình liên đới này mà Đức Giáo Hoàng đề cập đến là gì? Câu trả lời của Đức Gioan Phaolô kết nối chúng ta với chủ đề cơ bản tình yêu dành ưu tiên cho người nghèo, một chủ đề ta được nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại, hoặc, nói theo lời của Đức Gioan Phaolô là “người nghèo yêu dấu của Thiên Chúa”:
Trước hết, đó là vấn đề về sự tương thuộc, được cảm nhận như một hệ thống xác định các quan hệ trong thế giới hiện đại trong các yếu tố cấu thành mang tính kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo, và được chấp nhận như một phạm trù luân lý. Khi sự tương thuộc được công nhận bằng cách này, thì câu trả lời thích hợp, với tích cách một thái độ luân lý và xã hội, với tích cách một “nhân đức”, là tình liên đới,. Vậy tình liên đới không phải là một tình cảm thương xót mơ hồ hay cảm xúc hời hợt trước những khổ đau của biết bao người gần xa. Trái lại, đó là một quyết tâm kiên vững và bền bỉ dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và mỗi người vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với mọi người.[7]
Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô, tình liên đới này có hình thức cụ thể, trong các quyết định cá nhân; trong các quyết định của chính phủ; trong các quyết định kinh tế, trong các cuộc biểu tình nơi công cộng bởi chính những người nghèo; trong sự hy sinh dưới mọi hình thức của chủ nghĩa đế quốc kinh tế, quân sự, chính trị, và trong nhiều hành động cụ thể khác, cả trên bình diện cá nhân và cơ cấu. Liên đới, theo Vatican cho chúng ta biết, sẽ yêu cầu phát triển các hình thức mới của sự hợp tác giữa bản thân những người nghèo, giữa người nghèo và người giàu, giữa và trong các nhóm công nhân, và giữa các định chế tư nhân và công quyền.[8]
Chú thích
[1]Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (2005), số 192 (phần in nghiêng nhấn mạnh trong bản gốc).
[2]Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 1965, số 32.
[3]Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Pacem en Terris, 1963, số 98.
[4]“Nguyên tắc liên đới xã hội cho thấy rằng việc giảm nghèo đòi hỏi các biến đổi cơ bản trong các cơ cấu kinh tế và xã hội hiện đang duy trì các tình trạng bất bình đẳng xốn xang và ngăn chặn hàng triệu công dân tham gia đầy đủ vào sinh hoạt kinh tế và xã hội của quốc gia. Quá trình biến đổi nên là một quá trình lôi kéo tất cả các công dân, bất kể tình trạng kinh tế của họ, phải đi đến chỗ trở thành một cộng đồng”. “Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, Công bằng trong Kinh tế cho Mọi Người, 1986, số 187.
[5]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40.
[6]Như trên.
[7]Như trên, số 38.
[8]Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị về Tự do và Giải thoát mang tính Kitô giáo, số 57, 22 tháng 3 năm 1986 (Washington, DC: Hội đồng Công Giáo Hoa Kỳ), số 89, tr. 53.