Naomi O'Leary
Đinh Quang Bàn dịch
VATICAN CITY Tue Nov 26, 2013 11:46am EST
(Reuters) - Đức Giáo hoàng Phanxicô tấn công chủ nghĩa tư bản không kềm chế như là "một chế độ độc tài mới" và tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hãy chống nạn đói nghèo và bất bình đẳng ngày càng tăng, trong một văn kiện phát hành thứ ba [26 tháng 11 năm 2013], đặt nền tảng cho triều giáo hoàng của ngài và kêu gọi đổi mới Giáo Hội Công Giáo.
Văn kiện 84 trang, được biết đến như một tông huấn, là văn bản lớn đầu tiên ngài soạn thảo một mình trên cương vị giáo hoàng và trình bày nhiều quan điểm chính thức mà ngài đã đọc trong bài giảng và các nhận định kể từ khi ngài trở thành vị giáo hoàng không châu Âu đầu tiên trong 1.300 năm vào tháng 3.
Trong đó, đức Phanxicô đã đi xa hơn các ý kiến trước đó, chỉ trích hệ thống kinh tế toàn cầu, tấn công "thần tượng tiền", và kêu gọi các chính trị gia hãy "tấn công những nguyên nhân mang tính cấu trúc của sự bất bình đẳng" và phấn đấu cung cấp công ăn việc làm, sự chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho tất cả công dân.
Ngài cũng kêu gọi những người giàu hãy chia sẻ sự giàu có của họ. Đức Phanxicô đã viết trong văn kiện ban hành vào ngày thứ 3: “Như điều răn ‘Chớ giết người’ lập một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của cuộc sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải ‘chớ giết ngươi’ với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như vậy giết chết".
"Làm thế nào mà không phải là một bản tin khi một người già vô gia cư chết ngoài trời, nhưng lại là tin tức khi thị trường chứng khoán mất 2 điểm?"
Đức giáo hoàng nói không thể trì hoãn việc canh tân Giáo Hội và cho biết Vatican và hệ thống phẩm trật cố hữu của Vatican "cũng cần phải nghe tiếng gọi chuyển đổi mục vụ".
"Tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, tổn thương và lấm lem vì đã đi ra ngoài đường phố, hơn là một Giáo Hội kém sức khỏe vì đóng khung, bám víu vào hàng rào an ninh riêng của mình", ngài viết.
Nhà thần học người Ý Massimo Faggioli chào đón bản văn là "tuyên ngôn của Đức Phanxicô" trong khi nhà phân tích kỳ cựu John Thavis Vatican gọi đó là một "Hiến Chương cải cách giáo hội".
Faggioli, một chuyên gia về Công Đồng Vatican II và về cải cách trong Giáo Hội Công Giáo nói: "Sứ điệp về nghèo khó đưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô va chạm với tư tưởng Công giáo tân tự do, đặc biệt là tại Hoa Kỳ".
Các nhà phân tích Công giáo khác nói thêm rằng các trào lưu tiến bộ trong Giáo Hội sẽ nhảy dựng lên trước việc văn kiện khước từ các linh mục phụ nữ, mặc dù có mở rộng cho phụ nữ các vị trí khác có chức năng "làm quyết định" trong Giáo Hội.
VĂN PHONG ĐƠN GIẢN
Trong tháng 7, đức Phanxicô đã hoàn thành một thông điệp bắt đầu bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nhưng ngài nói rõ rằng phần lớn văn kiện là của vị tiền nhiệm của ngài, người đã từ chức hồi tháng 2.
Gọi là "Evangelii Gaudium" (Niềm vui Phúc Âm), tông huấn được trình bày theo phong cách giảng dạy đơn giản của đức Phanxicô, khác biệt hẳn với các tác phẩm mang tính học thuật nhiều hơn của các giáo hoàng trước đây, và nhấn mạnh vào nhiệm vụ trung tâm truyền bá Tin Mừng của Giáo Hội.
Một suy tư làm thế nào để khôi phục lại một Giáo Hội đang chịu sự tục hóa xâm lấn ở phương Tây, tông huấn vang vọng lòng nhiệt thành thường nghe thấy từ các người Tin Lành rao giảng Phúc Âm, đã lôi cuốn được những người Công giáo bất mãn tại vùng Châu Mỹ La Tinh bản xứ của đức giáo hoàng.
Tại đó, bất bình đẳng kinh tế là một trong những vấn đề được đức Phanxicô quan tâm nhất, và vị giáo hoàng 76 tuổi kêu gọi một cải tổ toàn diện hệ thống tài chính và cảnh báo rằng sự phân phối không đồng đều của cải tất yếu sẽ dẫn đến bạo lực.
Phủ nhận rằng như thế không là chủ nghĩa dân túy, ngài kêu gọi hành động "vượt quá một não trạng phúc lợi đơn giản" và nói thêm: "Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta có thêm các chính trị gia thực sự băn khoăn bức xúc trước tình trạng xã hội, con người, cuộc sống của người nghèo".
Từ khi được bầu, đức Phanxicô đã nêu gương thắt lưng buộc bụng trong Giáo Hội, sống trong một nhà khách Vatican chứ không phải trong Dinh Tông đồ trang trí công phu, đi lại bằng một xe Focus Ford, và tháng trước huyền chức một giám mục đã tiêu hàng bao nhiêu triệu euro cho nơi cư trú sang trọng của mình.
Ngài đã chọn tên hiệu "Phanxicô" của một vị thánh người Ý thời trung cổ, nổi tiếng với việc lựa chọn một cuộc sống khó nghèo.
Đức Hồng y Reinhard Marx của Munich, một trong tám cố vấn đặc biệt của đức giáo hoàng, cho biết đức giáo hoàng nhắm phê phán xã hội hiện đại "nhưng cũng nhằm vào chính Giáo Hội, luôn luôn bị cám dỗ khép kín và phản bội sứ mạng rao giảng Tin Mừng".
Nhấn mạnh sự hợp tác giữa các tôn giáo, đức Phanxicô trích dẫn ý tưởng của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng chức giáo hoàng có thể được xác định lại để thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với các giáo hội Kitô giáo khác và ghi nhận các bài học mà Roma có thể học từ Chính Thống giáo như "thượng hội đồng tính" (synodality) hoặc lãnh đạo phân quyền (decentralized leadership).
Ngài ca ngợi sự hợp tác với người Do Thái và người Hồi giáo và kêu gọi các nước Hồi giáo hãy bảo đảm cho nhóm thiểu số Kitô giáo của họ có được sự tự do tôn giáo giống như những người Hồi giáo đang được hưởng ở phương Tây.