Minh Hiền
Tôi là người Công giáo Việt Nam đang bị bế tắc
trăm chiều trong tư tưởng.
Nhìn ra thế giới, thấy bao nhiêu là gương
sáng: Mẹ Tê-rê-sa sống cho đi, Chân phước linh mục Maxmilian Kolbe sống hy
sinh, ông Gandhi sống vì người, ông Bill Gate sống chia sẻ...
Các vị ấy đã vươn tới tình yêu con người, vượt
qua những cách sống vun quén cho riêng mình, chỉ cho gia đình mình, khu vực
mình, đất nước mình.
Quay lại tôi, soi tôi vào Năm Thánh Lòng
Thương Xót Chúa, tôi rơi vào “mặc cảm”!
- Gia đình tôi khá giả dù đất nước điêu tàn,
anh em tôi thành đạt, có người đã đi du lịch năm châu bốn biển. Thế hệ chúng
tôi nay lại nai lưng ra lo cho con cháu học cho thành tài, cho đi du học đợt
hai. Các cháu nhỏ thì lo cho học Anh văn, học bơi, học đàn.
Tắt một lời, gia đình lo cho phát triển gia
đình, không còn hơi sức đâu mà lo cho phát triển con người của vùng miền, của
quốc gia, của nhân loại.
- Tôi có thấy nước tôi chiến tranh, điêu linh
trăm họ. Tôi biết nước tôi nghèo, đang bị Trung quốc o ép, đã vậy, thể chế
chính trị nước tôi lại tuyên bố vô thần, nước tôi phải đi vay mượn nước lớn. Có
lúc rơi vào bế tắc như cụ Tản Đà, sau khi soi gương vào lịch sử thì muốn tự
nhận mình là “ngu quá lợn”. Khi quá mệt mỏi mà chẳng làm gì, thì tự ru mình là
“đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, tôi tự an ủi: vun quén cho gia đình mình
là quá tốt rồi. Điểm mười so với người.
-Bạn bè giúp tôi phân nhóm Việt Nam, càng làm
cho tôi rơi vào mặc cảm rằng dân Việt Nam đa phần là sống vun quén cho mình,
cho gia đình mình, cho nhóm mình mà thôi:
Nhóm nghèo, phải mưu sinh, phải
kiếm miếng ăn cho khỏi đói.
Nhóm mất đất mất ruộng, uất hận
thấu trời xanh.
Nhóm ở ngoài guồng máy lợi ích
nên chả thể làm gì cho mình và người.
Nhóm con ông cháu cha thì lo cho
mau giàu bất kể dân tình.
Nhóm đã giàu thì tìm cách đi
khỏi Việt Nam.
Nhóm có
công với cách mạng thì chưa thể lo cho nhóm “Ngụy”.
Nhóm đi tu, hiện giờ chỉ có thể lo cho dòng
tu mình, chùa chiền của mình, xứ đạo của mình.
Nói chung, tôi mang mặc cảm mình thuộc một dân
tộc đang phân mảnh rã rời, rơi vào khủng hoảng tận đáy. Vì quá nhiều khủng
hoảng vây bủa nên khó vươn tầm rộng ra tới anh em đồng bào, tới người bốn biển
năm châu, tới nhân loại. Người Việt Nam cố chu toàn được trách nhiệm bản thân,
gia đình, nhóm nhỏ là mừng húm rồi. Có bị trách là vô cảm thì cũng đành chịu
vậy, xin đừng có ai đòi tôi làm cả TRÁCH NHIỆM VỚI CON NGƯỜI PHỔ QUÁT, con
người thế giới.
Nghĩ ngợi lung tung, tôi mới quay ra đọc cho
kỹ Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót thì thấy rằng:
- Tôi không được THỜ Ơ với tất cả các người,
các nhóm, nhất là phải đấu tranh với “các tổ chức tội phạm”, “tham nhũng” vì
những người đó gây ra “các vết thương mưng mủ” cho nhân loại (Tông chiếu số
19).
- Tôi phải THAY ĐỔI cuộc sống, phải “lắng nghe
tiếng khóc của người dân vô tội đang bị tước đoạt tài sản, nhân phẩm, cảm xúc,
cuộc sống” (Tông chiếu 19).
- Sống Lòng Thương Xót thì buộc phải sống công
lý và sống tình yêu,và nhất là phải “Đặt Đức Tin Lên Đầu” (Tông chiếu 20).
Khi đã soi gương Lòng Thương Xót, tôi thanh thản
hơn.
Tôi sẽ tập sống có liên hệ hơn (Tông Chiếu số
23 khuyên gặp gỡ đối thoại với Do Thái giáo và Hồi giáo...và những truyền thống
tôn giáo cao quí khác để cho ta biết và hiểu người khác, ta dẹp đi đầu óc khép
kín, dẹp đi sự thiếu tôn trọng, dẹp phân biệt đối xử).
Tôi hướng đến Mẹ Maria để tái khám phá Thiên
Chúa dịu dàng (Tông chiếu 24). Lâu nay lòng ta chai cứng quá.
Tôi hướng đến các Thánh, các Chân Phước đã rao
truyền Lòng Thương Xót (Tông chiếu 23).
Tóm lại, tôi sẽ bị Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên
vì thấy có Lòng Thương Xót vô biên vô tận, không VUN QUÉN cho riêng mình.
Nhờ sống Xót Thương, tôi trở thành sứ giả
thuyết phục cho thời đại đang mất niềm hy vọng. Đương nhiên, dân tộc tôi sẽ
được hưởng nhờ khi có nhiều cái tôi hết vun quén cho riêng mình.