ngày tháng năm

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

MỘT HỘI THÁNH LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐỒNG BÀO VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Ngày 7 tháng 10, năm 2016, Lễ Đức Mẹ Nữ Vương Mân Côi Cực Thánh,[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bế mạc phiên họp thường kỳ thứ 13, diễn ra ba năm một lần. Các vị chủ chăn của Hội Thánh Việt Nam đã bầu một Ban Thường Vụ mới cho nhiệm khóa 2016-2019.[2]

Cũng trong dịp nầy, các Đức Giám Mục đã gởi đến cộng đồng người Công Giáo Việt Nam một bức thư chung—xin mạn phép gọi là “Thư Chung 2016”[3]—nhắm soi sáng, dưới cái nhìn nhân bản và đức tin, một số trọng điểm về tình hình đất nước và Hội Thánh, đồng thời, đề ra chương trình mục vụ xây dựng và bảo vệ gia đình Ki-tô hữu.


“Thư Chung 2016” gồm có 7 số. Sau phần chào thăm ở số 1 gởi đến cộng đoàn Dân Chúa, các vị chủ chăn dùng số 2 đưa mọi người trực diện với những vấn đề khá gai góc đang khiến cho cả xã hội phải đau nhức, như đạo đức xuống cấp, tội ác gia tăng, thảm họa môi trường và báo động về an toàn thực phẩm. Khi phân tích nguyên nhân của các tệ trạng nói trên, các đức giám mục thẳng thắn chỉ ra: một nền giáo dục không dạy học sinh làm người, một đường lối phát triển kinh tế gây tổn hại cho môi sinh—cụ thể như thảm họa môi trường biển ở miền Trung— và một chính sách điều hành đất nước thiếu minh bạch. Số 3 là một vài giải pháp thiết thực được các chủ chăn khơi gợi giúp cải thiện các vấn đề đã nêu. Một chương trình mục vụ về gia đình, được trình bày ở hai số 4 và 5, đặc biệt dành cho giới trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân và các gia đình đang phải đối mặt với các các vấn đề xảy ra giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Số 6 có thông tin cho mọi người về một bức “Tâm Thư” các chủ chăn sẽ gởi đến cho mỗi gia đình Công Giáo. Cũng trong số 6, các đức cha kêu gọi mọi người, giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, cùng chung sức cộng tác với nhau để chăm sóc các gia đình. Sau cùng, tại số 7, các chủ chăn mời gọi tấn cả Hội Thánh Việt Nam gia tăng lòng tôn kính Đức Mẹ, cùng đón rước Mẹ về nhà minh, theo lịnh truyền của Chúa Ki-tô.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu trước tiên là toàn văn bức “Thư Chung 2016”, sau đó, xin được chia sẻ vài nhận định của chúng tôi về tinh thần dấn thân phục vụ quê hương và dân tộc được các vị chủ chăn truyền đạt cho các tín hữu.


Tiên vàn, “Thư Chung 2016”, với nội dung đề cập sâu sát và cập nhựt những vấn đề thời sự trong đời sống của đất nước và của Hội Thánh, phải được coi là một thủ bản giáo lý mục vụ thực hành. 

Đối mặt với các thực trạng xã hội, bức thư trình bày một bức tranh chính xác, được soi dọi sáng tỏ như dưới ánh mặt trời, cho thấy điều gì đang thực sự xảy ra trên đất nước nầy. Đây là đặc điểm của tiến trình nghiên cứu khoa học—được gọi là “xem—, khởi đầu bằng việc tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin chính xác, đầy đủ, đa chiều và khách quan. Từ đó, phần “xét”—tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của các vấn đề—mới giúp đạt tới kết luận chuẩn xác, và sau cùng—ở phần gọi là “làm”—có thể đề giải pháp hữu hiệu và khả thi.

Thứ nhứt là “tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhứt là nơi giới trẻ.” Thực trạng nầy ai ai cũng nhìn thấy nhan nhãn, diễn ra hằng ngày, ở chỗ nào cũng gặp, thậm chí ngay trong các học đường. Nhưng đây là lần đầu tiên những tệ nạn xã hội đó được đưa vào văn kiện chính thức của Hội Thánh. Đây là thẩm quyền Chúa Ki-tô ban cho Hội Thánh được tự do công bố Tin Mừng giải thóat cho nhân loại, đồng thời là nghĩa vụ của Hội Thánh phải tố giác những sai lầm, những tội ác chống lại Thánh Đức Thiên Chúa và xúc phạm phẩm giá con người.[4] Đừng ai có thái độ man trá, đi vu khống việc làm chính trực nầy là bôi đen xã hội, là chống phá chế độ. Thông điệp của các đức giám mục rất rõ ràng: từ nay, không còn ai—đặc biệt là các Ki-tô hữu—được phép giả mù giả điếc để sống vô cảm và vô trách nhiệm trước nỗi đau của đồng bào, nhứt là của giới trẻ, con em của mình, những nạn nhân đáng thương của bao gương xấu, bao hành vi vô luân do người lớn, do chính phụ huynh các em gây ra.

Vì sao lại xảy ra hiện trạng đau lòng ấy? Các vị mục tử chỉ rõ: “ Những nguyên nhân khách quan và ở tầm vĩ mô đã dẫn đến tình trạng đáng buồn trên, chẳng hạn nền giáo dục quá chú trọng đến bằng cấp, nặng hình thức, mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm hồn.” Rất nhiều cuộc tranh luận gần đây xoay quanh câu hỏi: liệu đã có một triết lý giáo dục cho Việt Nam chưa? Không thể có câu trả lời chính xác nếu không nắm bắt được mấu chốt vấn đề của nhà trường xã hội chủ nghĩa, đó là việc dạy cho học sinh trở nên một con người—hiểu như một nhân vị, có nhân phẩm và nhân quyền—không bao giờ là mục tiêu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu chính yếu là sản xuất ra những công cụ để phục vụ chế độ. Chính vì muốn trung thành với chính sách “hồng hơn chuyên” ấy, việc đào tạo ở nhà trường xã hội chủ nghĩa được thực hiện theo “chỉ tiêu”, nhắm “phục vụ nhiệm vụ chính trị.” Nguy hại hơn nữa, các khái niệm “đạo đức nhân bản” bị đánh tráo thành “đạo đức cách mạng”, tập trung vào tệ nạn sùng bái một lãnh tụ, và “yêu nước” bị đồng hóa với “yêu chủ nghĩa xã hội.”

Một nguyên nhân ác hại khác khiến cho các khuyết tật của xã hội—tệ nạn tham nhũng, gia đình trị, đảng trị, lợi ích nhóm—chẳng những trở thành mãn tính, bất trị mà còn kích thích chúng phát triển và di căn nhanh hơn, hủy hoại xã hội dữ dội hơn được các đức giám mục điểm mặt như là gốc rễ các thứ bịnh tật ác tính đó: “Tình trạng thiếu minh bạch và yếu năng lực trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và nhiều tệ nạn khác.” Trong một đất nước có chính quyền của dân, do dân và vì dân thật sự thì người dân có quyền được biết việc nước, đóng góp ý kiến cho những chính sách quan trọng, những quyết định về lẽ tồn vong của đất nước. Việc bổ nhiệm các viên chức chính phủ phải thông qua tiến trình thi tuyển công khai và công bình để người có tài có đức được cơ hội cống hiến cho quê hương, dân tộc.

Đã từ lâu, đất nước chìm sâu trong bóng tối của âm mưu che giấu thông tin và tuyên truyền dối trá. Người dân bị tước mất quyền được biết sự thật về những vấn đề đất nước, về hành vi của những người điều hành guồng máy kinh tế, chính trị. Những công bộc nầy—theo đúng nguyên lý dân chủ—do chính người dân cắt cử bằng lá phiếu và nuôi sống bằng tiền thuế, để họ thể ý dân mà quản trị xã hội, phù hợp với công thiện và công ích. Thật trái khoáy khi những đầy tớ nhân dân ngang nhiên xâm phạm quyền làm chủ đất nước của người dân ngay dưới tấm bảng hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.” Không những bị che dấu thông tin, người dân còn bị những tôi tớ bất lương[5] dọa nạt, hành hung, giam cầm khi đòi lại quyền được thông tin—mặc nhiên cũng là đòi lại quyền làm chủ đất nước—của mình. Các chủ chăn của Hội Thánh đề cập đến lối hành xử thất sách đó khi viết: “khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại.”

Nạn nhân trước tiên và khốn khổ nhứt của tất cả mọi thứ hành vi bất tài và bất lương như vừa nêu trên chính là người dân hiền lành chất phác, thấp cổ bé miệng. Hầu như cả dân tộc bị cưỡng bức làm vật thí nghiệm cho hết chính sách sai lầm nầy đến kế hoạch hoang tưởng khác. Thảm họa môi trường biển miền Trung, dầu hết sức kinh khủng xét theo mức độ tác hại vừa nhận thấy được trước mắt vừa tiềm ẩn lâu dài, thật ra cũng chỉ trở thành lớn chuyện chỉ vì nhà cầm quyền không thể che dấu khỏi con mắt soi mói của thời đại thông tin điện tử, thời đại của internet và smart phone.

Từ những gì người dân biết được về những sai lầm trầm trọng gây thiệt hại không thể sửa chữa do “yếu năng lực trong việc trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội”, có thể đặt câu hỏi về bao nhiêu tổn thất ghê gớm khác cho quyền lợi đất nước và dân tộc bị giới cầm quyền che dấu và phi tang. Một mặt, kinh tế Việt Nam càng ngày càng yếu thế trước thị trường quốc tế và lệ thuộc một cách thua thiệt vào Trung Quốc đến nỗi ngay những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân cũng phải nhập của họ. Trong nhiều dự án đầu tư, Việt Nam luôn dành ưu đãi cho Trung Quốc trúng thầu và độc quyền cung cấp công nhân, kỹ thuật và vật dụng xây dựng—vừa lạc hậu vừa kém chất lượng—với giá thành bị cố tình đội lên tới tận trần. Mặt khác, còn có một tai họa nguy hiểm hơn gấp bội, đó là các vùng đất giao cho Trung Quốc khai thác lâu dài lại là những rừng đầu nguồn, những vùng vịnh, cao nguyên, biên giới trọng yếu về kinh tế và quân sự. Không người dân nào lại không thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra khi âm mưu xâm lược thâm độc của ngoại bang lại được đảng và nhà nước Việt Nam ưu ái đến như vậy. Một chính sách kinh tế nô lệ chỉ là bước mở đầu tất yếu cho số phận nô lệ toàn diện và vĩnh viễn.

Không ai không đau không xót, không ai không oán không hận. Đất nước nầy là gia sản tổ tiên của hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam, chứ đâu phải của riêng một tổ chức, một phe đảng nào. Bao nhiêu ý kiến cảnh báo đầy tâm huyết của người dân thuộc mọi từng lớp xã hội đều như rớt vào lỗ tai điếc. Đã vậy, những công dân đầy tinh thần trách nhiệm “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”,[6] can trường và yêu nước lên tiếng hoặc biểu lộ thái độ phản kháng ôn hòa phê phán đường lối nhu nhược đáng ngờ của nhà cầm quyền và chống lại hành động ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, dám ngang nhiên chiếm đất chiếm biển của chúng ta, lại bị một chính quyền tự xưng là của dân vu khống cho tội phản động, thẳng tay đàn áp bằng bạo lực, bằng những bản án ngụy tạo, bất công. Đó chính là lý do các đức giám mục viết: “Ước mong nhà cầm quyền lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng như những góp ý chân thành của các nhân sĩ, trí thức, để thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà mọi người mong ước.”

Lời lẽ ôn tồn, lịch sự nêu trên của các vị giám mục không thể bị diễn giải sai lạc như tiếng hô theo đuôi những khẩu hiệu người dân đã quá nhàm tai và chán ngán từ nhiều kế hoạch năm năm, nhiều đại hội trung ương, nhiều phát động phong trào suốt cuộc hành trình trắc trở, gian khổ, mất mát, thất vọng và phẫn nộ cả một dân tộc đã gánh chịu. Lại càng không được phép coi nhẹ lời tuyên ngôn đanh thép của các chủ chăn, lãnh đạo của hơn 7 triệu đồng bào Việt Nam Công Giáo về lẽ tất yếu phải “thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà mọi người mong ước.” Mấu chốt của tuyên ngôn manh mẽ nầy là cụm từ “thực sự.” Quá đủ rồi thời gian hô khẩu hiệu. Quá đủ rồi những lời hứa hẹn, những chiếc bánh vẽ màu mè chỉ để trang trí. Các đức giám mục cũng tinh tế mở đầu tuyên ngôn bằng cụm từ “ước mong.” Thánh Phao-lô, khi giảng dạy về niềm hy vọng Ki-tô Giáo, có viết:

Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.[7]

Tuyên ngôn của các vị chủ chăn Hội Thánh Công Giáo đưa ra cụm từ “ước mong” nhắm một mặt khẳng định tình trạng thiếu vắng các giá trị căn bản của một thể chế xứng danh là “một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, mặt khác, chìa bàn tay thiện chí mời gọi tất cả mọi người dân Việt máu đỏ da vàng, bất kể những dị biệt về chính kiến, tín ngưỡng, cùng nhau chung sức xây dựng một quê hương Việt Nam, không phải theo một ý thức hệ áp đặt bằng bạo lực, nhưng theo đúng mô hình “mà mọi người mong ước”, nghĩa là theo lựa chọn tự do, tự quyết của toàn dân, thông qua hình thức được mọi dân tộc văn minh tiến bộ trên thế giới chấp nhận: hình thức phổ thông đầu phiếu.

Ý của các đức giám mục đã quá rõ về thực trạng xã hội và chính trị của Việt Nam. Không thể tiếp tục lừa dối người dân. Không thể một chính quyền tự cho mình là chính danh, là ưu việt, lại cứ mãi tìm đủ mọi loại “dê tế thần” để gánh tội cho thực tế càng ngày càng tuột dốc về mọi phương diện của đất nước. Nếu tôi tớ có tính lương thiện và còn liêm sỉ, hẳn phải biết phải làm gì khi không còn hữu dụng cho ông bà chủ của mình.

“Thư Chung 2016” cùng với các tài liệu chính thức của Hội Thánh Công Giáo, như “Thư Chung Các Đức Giám Mục Đông Dương” ban hành ngày 9 tháng 11, năm 1951, “Thư Chung 1980”, “Văn Thư Nhận Định Và Góp Ý Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp Năm 1992”, sẽ đi vào lịch sử quê hương và dân tộc Việt Nam. Đây sẽ mãi mãi là bằng chứng không thể tranh cãi về quyết tâm dấn thân của Hội Thánh Công Giáo vào tiến trình phục vụ đất nước và đồng bào ruột thịt, theo tinh thần của Công Đồng Vatican II:

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người thời đại chúng ta, đặc biệt của người nghèo và người bị áp bức dưới nhiều cách thức, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các tín hữu Chúa Ki-tô. Không có bất cứ điều gì thực sự mang tình nghĩa nhân loại mà lại không gây âm hưởng trong lòng họ.[8]

Và đây là câu trả lời chân thực nhứt và tự hào nhứt cho tiếng chất vấn đau buốt cõi lòng của nhiều thế hệ tương lai: “Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ, đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con?”[9]


[1] Tiếng La Tinh “Regina Sacratissimi Rosarii” (Anh Ngữ: “Queen of the Most Holy Rosary”) vẫn quen gọi là “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” theo cách dịch có lẽ của các vị giáo sĩ ngoại quốc thời truyền giáo. Cách dịch nầy sai ngữ pháp tiếng Việt bởi vì trong Việt Ngữ tính/tĩnh từ thường đứng sau danh từ.

[2] Xc danh sách Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Khóa XIII, được giới thiệu trong Tập San Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo số 23.

[3] Gợi nhớ “Thư Chung 1980”.

[4] Xc GHXHCG, số 159.

[5] Xc Lc 16:1-13.

[6] “Việc đất nước còn hay mất thì cho dầu là người kém cỏi cũng phải có trách nhiệm.”

[7] Rm 8:24-25.

[8] Vui Mừng Và Hy Vọng, số 1.

[9] Đức Giám Mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, O.P., “Thư Chung Về Thảm Họa Biển Miền Trung”, ban hành ngày 13 tháng 5, năm 2016>


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks