Hương Huế
Tôi tình cờ nghe câu chuyện của hai người thợ, họ đang xây nhà bên cạnh, một giọng oang oang, một giọng nhỏ, không nghe rõ nhưng vẫn có thể hiểu:
-“Nhà thằng T. răng mà mau giàu dễ sợ! Có 30 cái máy cày, mới có thêm 30 cái xe…”
…
-“Thì thuê thợ làm hết, hai thằng con hắn chỉ ăn rồi đi chơi”
…
-“28, 29 tuổi cả rồi”
Nghe vậy, tôi vừa vui vừa giật mình. Vui vì có người giàu lên sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khác; giật mình vì hai đứa con của ông kia: chừng đó tuổi rồi mà chỉ “ăn rồi đi chơi”, thì nó sẽ chơi những gì? Chơi hoài không chán? Chán rồi không phá?..Tự nhiên tôi lo cho tương lai của hai đứa con ông kia! Cho những đám bạn của chúng và cho cả xă hội.
Một lần đi xe buýt, tôi thấy đám thanh niên choai choai chạy xe lạng lách trước mặt, ông tài xế bực mình, bóp còi, chúng nó vẫn vậy, ông vói người ra cửa sổ xe nạt to: “Tụi bây muốn chết hả?” Tức thì một đứa hét lại càng to hơn: “Ông tưởng tụi tui muốn sống à?”
Tôi thấy thương cho chúng. Tại sao vậy? Chúng đang sống mà! Tại sao lại không muốn sống? Chúng đang được sống trong một đất nước có vẻ thanh bình, đang được thụ hưởng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật với đầy đủ tiện nghi vật chất từ cha mẹ chúng? Nhưng chắc chắn có gì đó đang thiếu…
Đức Thánh Cha nói: “Cần phải định nghĩa lại khái niệm về sự tiến bộ. Sự phát triển công nghệ và kinh tế không thể được xem là tiến bộ nếu nó không tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và một cuộc sống chất lượng hơn về mọi phương diện” (Laudato si’ 194).
Ngày xưa, anh chị em chúng tôi, có hai nơi để lui tới đặc biệt, mỗi ngày, đó là trường học và nhà thờ. Ba mẹ tôi làm việc vất vả, con đông, nhưng rất yên tâm vì các con mình đã có hai nơi bảo đảm để gởi gắm: nhà trường, thầy cô dạy cho chữ nghĩa; nhà thờ, giáo xứ, Chúa dạy cho nên người.
Ngày nay, các cháu nhỏ trong gia đình tôi, chúng nó cũng được cha mẹ yêu thương chăm sóc chu đáo lắm, từ thức ăn: ăn gì, uống sữa gì cho cao lớn, thông minh, thức ăn nào “sạch”- dù có đắt- có khi gởi mua tận quê nội ngoại, hay nhờ người quen để con cái được “bảo vệ” tối đa cho sức khỏe; cho đến áo quần: mùa nào áo ấy...; đến việc học: học ở đâu? Thầy cô nào dạy tốt, xa xôi mấy cũng đưa đón...Nhưng chất lượng cuộc sống không chỉ ở cơm ăn, áo mặc!
Tôi vẫn thấy các cháu của tôi thiếu: Nó thiếu Hạnh phúc, thiếu sinh động - nên nó rất quậy chăng? Nó không còn biết đến sự nghỉ ngơi của ngày Chúa nhật nữa. Một người hàng xóm nhận xét về con h,ọ mà tôi thấy cũng đúng cho nhiều người: Một đứa nhỏ mới “tạm biệt gấu misa nhé, mai em vào lớp một” đã vĩnh biệt tuổi thơ, từ nay nó chỉ còn phải học, học, học cho bằng con người ta! Mọi ưu tiên dành cho sự phát triển trí tuệ. Không còn giờ để đến nhà thờ nữa, không còn giờ cho đời sống tâm linh, nên nó thiếu, thiếu sự Sống toàn diện. Chúa dựng nên con người để con người được Sống và sống Hạnh phúc nên Thánh I rê nê dạy: “Khi con người sinh sống an vui, Thiên Chúa được hiển vinh”, nghĩa là con người đã đạt được “mục đích” mà Thiên Chúa muốn cho họ: sống đúng con người đích thực. Và chỉ có một mẫu người đích thực: khi Philatô chỉ vào Đức Kitô và nói: “Này là Người” (Ga 19, 5)
NGƯỜI này đã đến để dạy chúng ta biết làm Người. Chính Người này đã nói: “Tôi đến để chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Cám ơn Chúa! Hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm ngày Người đến để đem lại Ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, không chỉ thế, Người còn là Sức mạnh, là Sự Sống, là Đường dẫn chúng ta đến Hạnh phúc đích thực, viên mãn: được làm con Thiên Chúa.
Vậy đời sống chúng ta không còn trôi nổi, bấp bênh nữa, mà đã có định hướng: Hãy vui lên. Sự sống chúng ta đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Ngài.