Hạt Nắng
Cho đến bây giờ, trong đầu tôi vẫn hằn những tiếng khóc của anh. Tiếng khóc ấy đã chạm vào lòng tôi. Tôi phải làm, phải làm nhiều hơn nữa, dù là an ủi hay truyền dịch, tiêm thuốc, thay băng, tôi vẫn muốn được làm cho họ – những con người đáng thương…
“Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…”
Mỗi lần gặp anh – chồng của một phụ nữ bị bệnh HIV/AIDS đang trải qua những ngày đau khổ cuối đời – tự dưng lòng tôi lại nhớ đến câu hát này.
Sau giờ làm, tôi tức tốc chạy ngay về nhà anh chị vì sáng nay, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh báo chị đang “lấy hơi lên”. Giọng anh khàn khàn, nghèn nghẹn, có lẽ anh lại khóc. Và cũng có lẽ do những ngày qua, sự lo lắng, chật vật gạo tiền để chăm lo cho đàn con ba đứa đã khiến anh kiệt sức.
Vừa trờ xe lên dốc, đập ngay vào mắt tôi, anh đứng đó, tay kẹp điếu thuốc, bất thần bật khóc. Tôi vội chống xe chạy lại hỏi anh: “Chị sao rồi anh?”. Anh lắc đầu. Chẳng đợi thêm, tôi ào vào nhà: chị đang thở ngáp. Tôi làm dấu thánh giá rồi đến gần chị. Một chiếc máy nhỏ đặt trên bàn văng vẳng phát ra tiếng tụng kinh: “Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật…”. Thường khi sắp mất, những Phật tử thường nghe và đọc như thế để tâm hồn hướng về Phật.
Chị yếu quá! Người phụ nữ quyến rũ một thời giờ đây trơ xương giữa nền gạch cũ, trên tấm lót bằng cái mền dày. Anh bước vào ngồi cạnh chị, xoa tay cho chị, nước mắt lã chã rơi!
“Chị hiền lắm! Từ hồi cưới nhau về chị chẳng biết chơi bời, chỉ ở nhà làm đồ gia công. Chị chẳng biết chạy xe, hay son phấn, la cà tụm năm tụm ba. Mà giờ…”. Anh nghẹn ngào khóc hu hu như đứa con nít.
Anh xót chị, thương chị đang quằn quại trong cơn đau của căn bệnh thế kỷ. Anh thấy vô lý khi căn bệnh ấy chọn chị. Anh không bị nhiễm, ba đứa con cũng không.
Anh cứ thế giải thích, anh đưa ra rất nhiều bằng chứng “ngoại phạm” cho chị. Là người ngoài, nhưng nhìn cách anh bày tỏ niềm tin với chị, tôi thấy phục. Bao người được vậy? Nếu chẳng may người mắc bệnh là người đầu ấp tay gối với ta, ta có tin họ đến vậy hay muôn vàn nghi ngờ xét đoán?
– “Em! Ai đây?”. Anh chỉ tay vào ngực mình và hỏi vợ.
Mắt chị vẫn lơ mơ, ngây dại. Trời! Chị hết nhận ra anh rồi! Chị chẳng còn biết ai nữa. Chị rơi nước mắt! Giọt nước mắt vô hồn!
“Em đừng khóc, em tịnh tâm đi rồi đi thanh thản, ba đứa con để anh lo!” – Anh mếu máo nghẹn ngào.
Nghe từ “anh lo” mà tôi phát lo theo. Lo như thế nào đây khi thân hình bé nhỏ của anh phải chạy đôn đáo, ngày được dăm ba cuốc xe ôm, sửa vài cái bugi, bơm vài bánh xe cho khách vãng lai ghé vào.
“Ai kêu gì, anh làm đó, mà đừng làm bậy được rồi, em yên tâm!” – Anh tiếp tục an ủi vỗ về chị mà nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác.
Thương quá người đàn ông mới ngoài ba mươi sắp phải mồ côi vợ! Thương quá mấy đứa con nheo nhóc, sữa bú chưa đủ no, sắp phải mồ côi mẹ!
Và rồi, căn bệnh này sẽ còn cướp đi người cha, người mẹ, người con của hàng ngàn gia đình trong xã hội này. Chị không sa hút chích, không buông thả xác thịt mà đến khi nằm xuống, chúng – những căn bệnh cơ hội quật chị chỉ còn bộ xương! Huống chi bao người lao đầu vào hút chích nghiện ngập, bao thanh niên đam mê thú vui cùng giới, bao người đàn ông, đàn bà đam mê “của lạ”, “dấn thân” nộp mình cho quỷ dữ.
Chúng ta vẫn thường được nghe tuyên truyền: “Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có riêng một Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng chống suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Chúng ta hay gọi là Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, quy định rất rõ quyền của người nhiễm được hưởng và khẳng định rằng, người nhiễm HIV có quyền hầu hết như người không nhiễm HIV”. Ấy vậy mà chị chạy đi bao nhiêu bệnh viện, xét nghiệm thấy chị nhiễm HIV thì tìm cách từ chối điều trị. Nếu được điều trị sớm và tận tình, chị chưa phải ra đi sớm vậy.
Bao nhiêu bệnh nhân bị đưa ra nằm cách ly kế bên nhà xác. Sợ quá, bệnh nhân xin chuyển qua khu ở chung thì nhận được câu trả lời: ” Bệnh anh vậy thì anh phải chịu thôi”. Và còn rất nhiều trường hợp khác bị bạc đãi vô cùng. Con người bị đối xử như trái banh lăn lông lốc, bị đá dạt vào chỗ này, chỗ này không chịu lại đá đi chỗ khác. Cứ vậy, nhân phẩm bị xem rẻ mạt.
Mấy hôm sau, tôi và một người bạn đồng nghiệp đến truyền nước, tiêm thuốc cho chị mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ nơi phòng khám tôi đang làm. Bác sĩ nói còn nước còn tát.
Năm hôm sau chị mất, anh và đứa con lớn như vô hồn. Nhưng hai đứa nhỏ thì mừng lắm, vì được mặc đồ mới, đồ trắng tinh, nón cũng trắng tinh, có dây cột thắt nơ. Hai anh em khoe nhau:
– Anh được đồ mới nè, trắng nè, đẹp hông?”.
– Em cũng được vậy, anh Hai cũng được, ba cũng được, mà bà ngoại không được đồ mới kìa, lêu lêu!
Nước mắt tôi chỉ chực trào ra. Con còn nhỏ quá, con mất mẹ rồi, con biết không? Hôm nay còn bé, con vui vì đồ mới, nhưng khi lớn lên con sẽ tìm mẹ, mẹ mất rồi con ơi!
Chị được mang về quê nhà mai táng. Cô ruột của anh cho chị mảnh đất để yên nghỉ.
Cho đến bây giờ, trong đầu tôi vẫn hằn những tiếng khóc của anh. Tiếng khóc vợ có đánh thức được ai không, để thật tay ngăn chặn sự lây lan truyền nhiễm vô độ này. Tiếng khóc ấy đã chạm vào lòng tôi. Tôi phải làm, phải làm nhiều hơn nữa. Dù là an ủi hay truyền dịch, tiêm thuốc, thay băng, tôi vẫn muốn được làm cho họ – những con người đáng thương là anh em tôi, cha mẹ tôi trong Chúa. Xin cho tôi biết thấy sự “trần trụi sang trọng”, sự “trần truồng tôn nghiêm”, và sự “nghèo nàn quý giá” của phẩm giá một con người – những điều mà tôi đã được học trong một buổi tĩnh tâm – để tôi có thể yêu thương họ thật nhiều và đi theo con đường của Chúa Kitô!
“Áo xưa dù nhàu, cũng xin trọn đời gọi mãi Giêsu!”
(source: tinhdongchuacuuthe.com/tieng-nuc-no-cua-nguoi-chong-co-vo-nhiem-hiv/)