![]() |
Thêm chú thích |
Gọi người xây dựng
phát triển trong tư thế GIANG TAY HƯỚNG VỀ CHÚA và CẦU NGUYỆN.
Ở đây và lúc này, trên
thế giới cũng như ở Việt Nam, đều cần suy tư về phát triển đích thực, phát
triển có chất luân lý đạo đức ngấm vào trong mọi lãnh vực kinh tế – chính trị –
xã hội – văn hoá.
Từ lời kêu gọi suy tư
về phát triển đích thực của Đức Phao Lô VI, 1967, tới lời kêu gọi các Ki tô Hữu
hãy lên đường xây dựng phát triển trong tư thế “giang tay hướng về Thiên
Chúa trong thái độ cầu nguyện“ của Đức Benedicto XVI, 2009, rồi lời kêu mời
hướng dẫn: ”Ngay trong những thời điểm khó khăn nhất và hoàn cảnh phức tạp nhất
chúng ta không những phải phản ứng cách ý thức, nhưng trước hết phải gắn
bó vào tình yêu của Chúa” ( CIV 79 ).
Cụ thể, Kitô Hữu phải
hy sinh đi xây tình anh em nơi mình đang sống, đi tìm những người có kinh
nghiệm tâm linh, gặp gỡ những con người có thể rất chẳng oai phong nhưng rất
phó thác vào sự quan phòng và lòng nhân từ của Chúa. Lại nữa, hãy nghe những
chia sẻ của người dám từ bỏ mình, dấn thân đón nhận tha nhân, can đảm xây dựng
công lý và hoà bình (CIV 79).
Vì lúc này ở đây …
Ở đây có Hà Tĩnh với
Formosa, có Cà Ná với dự án thép Hoa Sen, có miền Tây nhiễm mặn rộng dần, có
biên giới và hải đảo với những nguy cơ, có những bệnh tật sẽ bùng phát, có chủ
quyền quốc gia thường xuyên bị coi thường.
Ở đây là những thành
thị và thôn quê, nơi có những gia đình sống trong các phòng trọ chật chội, hoặc
những bố mẹ già cô đơn ngay trong cơn lũ, trông vời về thành phố nơi con cái
đang tha phương cầu thực.
Ở đây thỉnh thoảng lại
vang lên lời kêu cứu. Dân oan kêu cứu, người hoạt động xã hội kêu cứu, dòng
tu La San kêu cứu, mục tử Tam Toà kêu cứu,…
Ở những nơi ấy, ta
thấy “dân trí, dân khí, dân sinh” đều u ám nghèo nàn.
Ở đây cũng là ở nơi
thoạt nhìn có vẻ như tin vui: sự vô cảm trước cái ác đang bị tận diệt! Vì ta dễ
dàng tìm thấy những đám đông hò reo, phản ứng khi có ai đó bị phát hiện phạm
tội. Nhưng lại bằng cách “ném đá” dữ dội không khác thời …Trung cổ.
Ở đây người dân cảm
thấy mình đang mất dần quê hương, ở đây có nhiều người cảm thấy bị làm nhục bởi
người nước ngoài, xót xa khi thấy lối sống của sự chết lên ngôi, mơ hồ muốn
trốn thoát đi tìm nơi khác dung thân, có khi chan chán ngay cả những mục tử
giáo hội mà mình đã từng yêu mến!
Ở đây ta mang những
trái tim chai đá, ta có những cuộc sống mất thần linh, mất phẩm giá. Nhân loại
chia rẽ, và đương nhiên nhiều người chẳng còn giang tay nguyện cầu, chẳng thấy
được “Cha trên trời”, nhiều người đã sa chước cám dỗ, bị đủ loại sự dữ vây bọc
( CIV số 79 ).
Đi!
Nhưng bảng chỉ đường
vẫn có, chỉ cần đem ra làm: Cầu nguyện cá nhân và tập thể, đối thoại với những
người đã dám đấu tranh cho công lý công bằng, gặp gỡ những người có đời sống
tâm linh dù họ bé mọn trong xã hội, mạnh mẽ tích cực làm những gì Chúa Thánh
Linh kêu mời, thúc đẩy trong lòng.
Cầu nguyện xin Chúa
ban cho ta hiểu rõ hai món quà của Chúa: Thế nào là Bác Ái và Chân Lý nơi đâu.
Luôn vương vấn trong
đầu: Sống là để làm cho cá nhân, đất nước, thế giới được phát triển đích thực,
làm cho con người từ chỗ ít văn hoá trở thành văn hoá hơn, thế giới từ chỗ ít
thần linh trở thành thấm đẵm thần linh hơn.
Thuận Kiệt