ngày tháng năm

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Chính trị và truyền thông

Thuận Kiệt

Từ 16/3/2016 đến 19/3/2016 báo Tuổi Trẻ phát hành loạt bài với chủ đề “Giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc?”, cụ thể:

Bài viết đầu tiên (16/3/2016) phác thảo bức tranh tổng thể, đưa ra con số thống kê 51,8% các bạn trẻ quan tâm đến “đường lối phát triển đất nước” và 48,2% quan tâm “các chính sách quốc phòng, an ninh của đất nước”.

Ba bài viết trong 3 ngày từ 17 đến 19/3/2016 đã cảnh báo, nêu lên những điều cần phải có để các bạn trẻ nói riêng và người dân nói chung quan tâm nhiều đến thời cuộc, cụ thể hơn là quan tâm đến chính trị:
  • Làm chính trị là phải “cool” – lôi cuốn, hấp dẫn và thân thiện: Chính trị là việc làm cho người khác vui hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn. Nhà nước nên lập luật cho bạn trẻ chơi trong “sân chơi chính trị” và cùng chơi với họ, chứ đừng nói là quản lý họ.[1]
  • Giáo dục để biết quan sát, phân tích, phê phán và hun đúc lấy chính kiến, nếu không chính chúng ta sẽ trở thành đám đông hành động thiếu suy nghĩ, a dua như con cừu Panurge.[2]
  • Thông tin chính xác, không thêm bớt, cũng không che giấu.[3]
  • Tham gia, thảo luận các vấn đề chính trị hay thời cuộc. Đây là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.[4]
Trong tất cả những điều nêu trên, thông tin hay truyền thông là điều cốt lõi trong sinh hoạt chính trị, “Truyền thông xã hội làm lợi cho xã hội bằng cách tạo điều kiện cho các công dân được tham gia một cách có hiểu biết vào tiến trình chính trị. Các phương tiện lôi kéo người dân lại với nhau để theo đuổi những bận tâm và mục tiêu chung, nhờ đó giúp hình thành cũng như duy trì các cộng đồng chính trị đích thật.”[5]

Để truyền thông trở thành công cụ trong sinh hoạt chính trị, đảm bảo sự tham gia dân chủ, truyền thông phải hướng đến:[6]
  • Sự đa nguyên trong lĩnh vực tế nhị này.
  • Xây dựng và nâng đỡ cộng đồng nhân loại trong mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và tôn giáo. Tức là, truyền thông góp phần làm cho con người tốt hơn về tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá của mình, có trách nhiệm và cởi mở hơn với mọi người, nhất là những người thiếu thốn hơn mình.
  • Phục vụ công ích và luôn nhận thức rằng, xã hội có quyền nhận những thông tin dựa trên sự thật, tự do, công lý và liên đới.
Ngược lại truyền thông sẽ không còn là chính nó, công cụ phục vụ cho sự thăng tiến của con người, khi nó hướng đến:[7]
  • Đề cao một ý thức hệ nào đó.
  • Kiểm soát chính trị.
  • Tham gia vào cạnh tranh giữa các phe phái.
  • Chỉ chạy theo lợi nhuận.
  • Ngăn cản việc thực hiện thông tin khách quan: Độc quyền các phương tiện thông tin (báo giấy, truyền hình…), liên kết ngành thông tin với các cơ quan nhà nước hoặc các nhóm lợi ích.
Loạt bài viết trên báo Tuổi Trẻ, một tờ báo “chính thống”, cho thấy nhà cầm quyền đang nỗ lực tiếp cận với giới trẻ; cũng như phải nhìn nhận hoạt động chính trị nó gắn liền với sự quan tâm của mọi người với nhau, với thế sự, với tổ quốc và với dân tộc ?

Sức mạnh của đất nước này, dân tộc này nằm trong sự mời gọi người dân tham gia có hiểu biết vào các hoạt động chính trị, trong đó truyền thông chiếm vị trí then chốt. Mong lắm thay.

Nguồn: tinhdongchuacuuthe.com

[1] Bài viết “Làm chính trị là phải ‘cool’!”, báo Tuổi Trẻ ngày 17/3/2016
[2] Bài viết “Con cừu của Panurge”, báo Tuổi Trẻ ngày 18/3/2016
[3] Bài viết “Chúng tôi cần thông tin chính xác”, báo Tuổi Trẻ ngày 19/3/2016
[4] Bài viết “Tạo lập tinh thần công dân chủ động”, báo Tuổi Trẻ ngày 19/3/2016
[6] Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, số 414, 415, 416
[7] Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, số 414, 415, 416

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks