ngày tháng năm

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Điều tôi thích nhất nơi Thông điệp 'Caritas in Veritate'

Thông Điệp Caritas In Veritate (Bác ái trong sự thật), mà Đức Giêsu Kitô đã làm chính bằng cuộc sống trần gian của mình và nhất là bằng cái chết và sự phục sinh của Người, là động lực chính cho sự phát triển đích thực mọi người và toàn thể nhân loại. Tình Yêu – caritas – là một sức mạnh phi thường dẫn dắt người ta có sự lựa chọn dấn thân can đảm và quảng đại trong lĩnh vực công lý và hòa bình. Đó là một sức mạnh bắt nguồn từ Thiên Chúa, Tình Yêu Vĩnh Cửu và Sự Thật Tuyệt Đối. Mỗi người tìm thấy tính bản thiện của mình qua việc gắn bó với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình, để thực hiện đầy đủ: trong kế hoạch này, họ tìm ra sự thật về mình, và bằng cách gắn bó với sự thật đó họ trở nên tự do. Bảo vệ sự thật, phát biểu sự thật với sự khiêm tốn và xác tín, và làm chứng cho sự thật trong cuộc sống, do đó, là các hình thức bác ái đòi buộc ta và không thể thiếu được. 

Thông điệp đã bắt đầu như thế! 

Tôi download ngay khi Thông điệp được đưa lên website của Vatican và tôi đọc qua một lần, rất nhanh và hăm hở, rồi tôi quay lại đọc một lần nữa, tô sáng những đoạn tôi thích bằng bút dạ quang đỏ và viết ra các nhận định bằng mực xanh và tự hỏi liệu có bao nhiêu điểm Đức Bênêđíctô XVI nêu ra nhỉ. Tôi thấy Thông điệp này thật phong phú và sâu sắc, đầy thách đố cho đến nỗi tôi tự nhủ liệu thiên hạ sẽ đón nhận ra sao nhỉ. Nhưng tôi bắt đầu nói với bạn bè về Thông điệp và bảo với họ rằng điều tôi thích nhất là khả năng ngài diễn giải và đan kết đồng thời bốn chân lý quan trọng: hai nhóm các vấn đề (công bằng xã hội để phát triển và đạo đức cá nhân) và chiếu ánh sáng trên các nhóm vấn đề ấy từ hai góc độ (đức tin và lý trí). 

Thông điệp này không chỉ là một tiếng kêu đánh thức nhưng còn là một cẩm nang hướng dẫn chúng ta hành động. 

Điều tôi thích nhất nơi Thông điệp Caritas in Veritate là khả năng của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI diễn giải và đan kết đồng thời bốn chân lý quan trọng: hai nhóm các vấn đề (công bằng xã hội để phát triển và đạo đức cá nhân) và chiếu ánh sáng trên các nhóm vấn đề ấy từ hai góc độ (đức tin và lý trí)

Các vấn đề công bằng xã hội để phát triển của ngày hôm nay, dù mang tính địa phương hoặc toàn cầu – và đó là đối tượng chính của thông điệp –- được liên kết với các vấn đề đạo đức cá nhân của ngày hôm nay (chẳng hạn như vấn đề mở rộng đôi tay đón nhận sự sống và tôn trọng toàn bộ con người) và cả hai nhóm vấn đề này được chứng tỏ là phụ thuộc vào việc ta mở ra đến đâu cho Thiên Chúa, thể hiện tính siêu việt của chính chúng ta, và những gì xảy ra khi ta không mở ra. 

Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI luôn luôn trình bày các luận điểm của ngài một cách rõ ràng và lô-gích bằng cách thường xuyên viện dẫn đến lý trí, trong một nỗ lực liên tục sử dụng cả đức tin lẫn lý trí phát biểu đức tin và diễn giải các học thuyết của Giáo Hội và để tìm kiếm khu vực chung với những người không tin. Vì mệnh đề "lý trí", ngài đã nhấn mạnh "chân lý" của bác ái ngay từ đầu, đưa ra những cảnh báo nhằm chống lại cách hiểu lệch lạc và lối giải thích sai lạc về bác ái, tách rời bác ái ra khỏi đời sống luân lý. 

Trong 79 phân đoạn có đánh số, thông điệp đề cập đến tất cả các chủ đề cốt yếu của sự phát triển và tính liên thuộc của thế giới cần phải phù hợp với các lương tâm luân lý, bao gồm: tự do tôn giáo, trách nhiệm của Nhà nước, các nỗ lực quốc tế xây dựng hòa bình và các chiến lược chung để chế ngự xung đột vũ trang. Trong khi đọc các phần về công bằng xã hội, tôi có cảm tưởng ai trong chúng ta là "người cấp tiến" hẳn sẽ hài lòng. Và khi đọc đoạn ngài kêu gọi tôn trọng sự sống, tôi nhủ thầm hẳn những ai "bảo thủ" trong chúng ta cũng nên vui. 

Nhưng tôi phải thừa nhận rằng vì ngài rất kiên gan trì chí trong việc thách thức tất cả chúng ta phải thực hiện cả hai, nói về nào là "công bằng trong việc tái phân phối, liên đới và chia sẻ của cải", nào là việc "bác bỏ não trạng kiểm soát dân số và chống sinh sản, chủ trương an tử, thụ thai trong ống nghiệm, nghiên cứu phôi và nhân bản vô tính" nên tôi đâm ra thấy lo lo, sợ rằng ngài sẽ bị hầu hết mọi người bài bác... Nhưng đấy chỉ là nỗi sợ của riêng tôi mà thôi, và hy vọng, trái lại, thông điệp của ngài sẽ được chào đón và thảo luận cũng như sẽ được sử dụng như một diễn đàn mang tính sáng tạo và khai phóng về lâu về dài. 

Nếu thế, hẳn hết thảy chúng ta sẽ được nhờ vì đó là tiếng gọi lớn để đánh thức và thời điểm lay dậy thật tuyệt hảo. Ngài nhắc chúng ta rằng dù cho các tiến bộ công nghệ và vật chất có đến mức nào mà thiếu vắng sự chăm sóc lo cho nhau, tình thương và sự trung thực thì cuối cùng, tất cả sẽ sụp đổ. Ngài đã thách thức hai con bò thiêng: Công nghệ và Tâm lý, bảo rằng thế vẫn chưa đủ, thậm chí không khéo chúng lại còn ngáng trở sự phát triển của chính chúng ta, rằng bởi vì các công nghệ mới thì quả thật hấp dẫn, thậm chí làm con người ta say mê, cho nên có cái nguy hiểm là sẽ biến mọi người chúng ta thành các nhà kỹ trị để rồi trong cuộc sống thực tế, ta sẽ bị hạn chế tăng trưởng trong vấn đề phát triển tư duy và phán đoán đạo đức. 

Ngài cũng cảnh báo về các mối nguy hiểm của chủ nghĩa giảm thiểu thần kinh học (neurological reductionism) và cách đơn giản hóa sự việc quá mức, những thứ này không thể trả lời các nhu cầu sâu xa của chúng ta, bằng chứng về những hạn chế của chúng là nỗi thống khổ đang lan rộng của các chứng loạn thần kinh và nghiện ngập trong các xã hội hiện đại của chúng ta. Xin đừng hiểu sai về tôi. Nói về những công nghệ mới, tôi đây là một fan hâm mộ, tôi có blog của riêng tôi và tôi yêu facebook, Flickr và LinkedIn, và trang ảnh kỹ thuật số đã được tạo ra để cho tôi! Nhưng Đức Giáo hoàng rất đúng khi ngài giơ lên mấy lá cờ đỏ, ngài thực tế đã dành trọn cả một chương cho mấy vấn đề đó (Chương VI). 

Thông điệp này không chỉ là tiếng kêu đánh thức mà còn là một cẩm nang với nhiều đề xuất. Một đề xuất gây ngạc nhiên là đề xuất về một loại "lựa chọn thuế". Liệu có cái khả năng phân bổ khoản thuế tôi đóng xem nó sẽ vào ngân sách quốc phòng hoặc trường học hoặc viện trợ quốc tế? Nghe tuyệt lắm! Một đề xuất táo bạo khác là cải cách Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tòa án Quốc tế La Hay; chỉ có Liên Hợp Quốc được nêu đính danh, nhưng ngài đang nói đến tất cả các tổ chức hiện nay có lý lẽ để tồn tại khắp toàn cầu. Hầu hết các định chế này (kể cả Liên Minh Châu Âu) đã trở thành các guồng máy quan liêu khổng lồ và nay đã đến lúc đòi hỏi phải có thêm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, biên chế gọn nhẹ và thủ tục đơn giản hoá. 

Ngài cũng yêu cầu tìm kiếm những phương thức mới "để quản lý nền kinh tế toàn cầu; để kịp thời mang lại sự giải trừ quân bị, hòa bình và an ninh lương thực; để bảo vệ môi trường và đề ra các quy định về di dân: cho tất cả những điều này, có nhu cầu cấp thiết về một quyền lực chính trị thế giới chân chính, hành xử theo quy định pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc bổ trợ và liên đới một cách nhất quán, nhằm mưu cầu công ích". Đây quả là một tầm nhìn táo bạo! Đây chính là những gì mà các nước G8 và G20 đang cố gắng thực hiện trên bình diện chính trị, nhưng tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Bênêđíctô đang kêu gọi cho cái gì khác hơn, kêu gọi các phương thức mới, dựa trên hệ thống bổ trợ (có tính hướng đến nhân dân nhiều hơn) được thực hiện trong một tinh thần thực sự bác ái và liên đới (là phương thức duy nhất để ngăn chận các mục tiêu đầu cơ tích trữ và ích kỷ cá nhân). Ngài đang yêu cầu chúng ta cho đi nhiều hơn, và trước hết là cho đi chính bản thân. Ngày nay thực hiện điều này là hoàn toàn có thể vì nhờ có Internet, các mạng lưới xã hội và điện thoại di động, có thể gầy dựng các đội quân từ thiện mới một cách căn cơ. 

Toàn cầu hóa tự bản chất không tốt cũng chẳng xấu, tùy thuộc vào cái cách chúng ta thực hiện toàn cầu hóa, và ăn chung là tất cả chúng ta có biết cùng nhau hoạch định bởi vì chính xác đó là những gì mà "tính phổ quát" bao hàm các ý nghĩa ở trong từ "Công giáo", vì lời kêu gọi làm việc cùng nhau không đến từ chúng mình với nhau nhưng xuất phát từ Đấng đã phái chúng ta ra đi để đến mọi ngõ ngách của thế giới và nói rằng "Người sẽ kéo mọi người lên với Người" và "Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế". Tôi hiểu – và tôi đồng ý – rằng có nhiều nỗi lo sợ liên quan đến việc đối mặt với các thay đổi và ngày nay người ta thường cảm thấy rằng toàn bộ các quân bài đang được chia lại một cách quá nhanh chóng. 

Nhưng tôi rất cám ơn thông điệp tuyệt vời và đầy thách thức này, đã vạch ra đường tiến lên phía trước và những việc phải làm, đan kết liên tục 4 chân lý công bằng xã hội vì công ích, với quá trình đang diễn ra về việc đào luyện lương tâm (bắt đầu với chính chúng ta!) dưới ánh sáng dõi theo của đức tin và lý trí. Nếu bạn chịu suy nghĩ, thì cái tương lai đầy tinh thần trách nhiệm, can đảm và quảng đại mà ngài đang kêu gọi đã diễn ra rồi kể từ khi thông điệp được đưa trên mạng, cho tất cả mọi người, hoàn toàn miễn phí... Còn đối với người đứng đầu Giáo hội Công giáo, thì chúng ta vốn biết tên tuổi và địa chỉ của ngài và chúng ta cũng biết chương trình của ngài; bạn có thể google các từ Caritas in Veritate và thế là voilà! 

Nguồn: http://www.leblogdelabergerie.com/articles/CaritasInVeritate.htm 
Michele Szekely
Đan Quang Tâm dịch 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks