ngày tháng năm

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

CHÚNG TA HỌC KITÔ HỌC - Bài 3

Thánh Kinh và Mạc Khải

Để biết Thiên Chúa, chúng ta phải tìm gặp Người trong Thánh Kinh, nói cách khác đời sống Kitô hữu và toàn bộ Kitô học đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Vậy Thánh Kinh có đáng tin không? Và đáng tin ở mức độ nào?

I. Những vấn nạn được đặt ra cho Thánh Kinh

Trong suốt 20 thế kỷ qua, đời sống Kitô hữu hoàn toàn đặt nền tảng trên lời Chúa, vì tin rằng lời Chúa được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần nên là lời mạc khải, vì thế nó có giá trị tuyệt đối cho mọi nơi và mọi thời.

Riêng với người Công Giáo ngoài Thánh Kinh còn có Thánh Truyền (là gia sản cuộc sống đức tin chứa đựng mạc khải của Thiên Chúa[1], mà từ những thế kỷ đầu Giáo hội đã truyền lại cho chúng ta), Giáo huấn của Giáo hội, những lý giải của các nhà thần học chính thống như Thánh Tôma…

Nhưng bắt đầu từ năm 1054 anh em Chính thống đã cắt đứt mối hiệp thông với Tòa thánh Roma, cho nên họ chỉ tin: Thánh Kinh và một phần Thánh Truyền.

Từ thế kỷ XV – XVI anh em Tin Lành (Martin Luther – John Calvin) lại cắt đứt mối hiệp thông với Tòa thánh Roma, họ chỉ tin vào Thánh Kinh.

Cuối thế kỷ XX, anh em Tin Lành có cuộc cách mạng về Kinh Thánh, từ chủ trương “Sola Fide, Sola Scriptura” do đó anh em Tin Lành nghiên cứu Thánh Kinh rất kỹ, chính điều này dẫn đến vấn đề đặt ra nhiều vấn nạn cho Kinh Thánh. Vì anh em Tin Lành có nhiều hệ phái (đến nay khoảng 400 hệ phái), nên mỗi hệ phái lại giải thích vấn đề một cách khác nhau, dẫn đến sự phân hóa trong nội dung của đức tin.

1. Từ các phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh

a. Phương pháp Văn hình sử (Nghiên cứu lịch sử hình thành văn chương)

Nghiên cứu tất cả các phép lạ của Đức Giêsu, người ta nhận ra nó có cấu trúc như sau:


Hình như nó có một khuôn mẫu, mà ta biết rằng Kinh Thánh khởi đầu là từ câu chuyện truyền miệng (định luật truyền miệng là càng được kể lại, mức độ các chi tiết càng tăng và thiếu chính xác), rồi mới đến việc dùng chữ viết để tường thuật, cụ thể như lịch sử viết Tin Mừng của các thánh sử:

- Đức Giêsu năm 30 bắt đầu hoạt động.
- Năm 60, có Tin Mừng do thánh sử Mát-Thêu viết.
- Năm 65, có Tin Mừng do thánh Mác-Cô và thánh Lu-Ca viết. 
- Năm 90, có Tin Mừng do thánh Gio-an viết.

Như vậy, khoảng thời gian từ năm 30 đến các năm 60, 65, 90 khi Tin Mừng được viết ra, Tin Mừng được lưu lại qua truyền miệng. 

b. Khoa nghiên cứu phê bình lịch sử: 

Xét những đoạn văn Kinh Thánh dưới ánh mắt phê bình và chỉ nhìn Đức Giêsu đơn thuần là một nhân vật lịch sử. Họ cho rằng “Đức Giêsu lịch sử” và “Đức Kitô của lòng tin” có sự khác biệt nhau.

Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI, trong lời mở đầu của cuốn Đức Giêsu Kitô thành Nazareth nói rằng: “cần nhận ra những giới hạn của bản thân phương pháp phê bình-lịch sử. Đối với người xem Kinh Thánh trực tiếp nói với mình hôm nay, khuyết điểm đầu tiên của phương pháp là do tự bản chất, phương pháp phải đặt lời Kinh Thánh trong quá khứ. Đó là một phương pháp lịch sử, và như thế có nghĩa nó điều tra bối cảnh vào lúc đó của các sự kiện trong đó các bản văn nảy sinh. Nó cố gắng nhận diện và hiểu quá khứ – như thực sự xảy ra – đến mức chính xác nhất có thể để tìm ra điều tác giả có thể đã nói và có ý nói trong bối cảnh tâm thức và các sự kiện của thời đó. Theo mức độ trung thành với chính mình, phương pháp lịch sử không chỉ xem xét lời Kinh Thánh như một điều của quá khứ, mà còn để lời ấy ở lại trong quá khứ. Phương pháp có thể nhìn thoáng qua các điểm tiếp xúc với hiện tại, và có thể áp dụng lời Kinh Thánh vào hiện tại; một điều mà phương pháp này không thể làm được là làm cho lời này thành hiện tại ngày hôm nay – vì như thế là bước quá ranh giới của mình. Tính chính xác trong khi giải thích thực tại quá khứ vừa là điểm mạnh vừa là giới hạn của phương pháp này” [2]. 

2. Cho đến câu hỏi ai là tác giả của Thánh Kinh?

Trong nhiều thế kỷ mọi người nghĩ Thiên Chúa là tác giả, còn các thánh sử là công cụ trong tay Chúa (là cây viết trong tay Chúa). 

Trong khi đó, từ khởi đầu thế kỷ cho đến đầu thế kỷ XX, sách Kinh Thánh rất hiếm, hoặc có nhưng không đủ trọn bộ, cho nên mọi người không so sánh nội dung của Tin Mừng do các thánh sử viết. Khi sách Kinh Thánh không còn hiếm nữa, qua Văn hình sử và Khoa nghiên cứu phê bình lịch sử người ta phát hiện các sách Tin Mừng của các thánh sử có nhiều tình tiết, số lượng, ngữ cảnh, nhân vật… theo họ là không khớp với nhau.
Vd: Việc xức dầu xác Đức Giêsu: Tin Mừng theo thánh Gio-an viết thì xảy ra vào chiều thứ sáu, trong khi Tin Mừng theo thánh Lu-ca và Mác-cô viết thì xảy ra vào sáng Chúa Nhật. 
Thật ra theo tục lệ người Do Thái, việc xức dầu người chết được thực hiện trong 3 ngày, nên Tin Mừng theo thánh Gio-an ghi lại sự kiện ông Ni-cô-đê-mô mang mộc dược và trầm hương để ướp xác Đức Giêsu vào chiều thứ sáu (Ga 19,39-40), mà không ghi lại sự kiện các bà mang dầu thơm dự định ướp xác Đức Giêsu vào sáng Chúa Nhật. Còn Tin Mừng theo thánh Lu-ca và Mác-cô thì lại không ghi lại sự kiện xức dầu vào chiều thứ sáu, mà chỉ ghi lại sự kiện dự định xức dầu vào sáng Chúa Nhật của các bà (Lc 24,1 – Mc 16,1). Tin Mừng theo thánh Mát-thêu thì không ghi lại sự kiện xức dầu xác Đức Giêsu. 

Vấn đề đặt ra, ai kể đúng sự kiện xảy ra? Ai thêm thắt vào? Nếu thêm thắt vào do con người thì đâu là sự linh hứng của Chúa Thánh Thần? Điều này dẫn đến con người nghi ngờ Kinh Thánh, tức là chối bỏ niềm tin vào Kinh Thánh và dẫn đến chối bỏ đạo.

Vào thế kỷ XX do ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm, đa số mọi người có khuynh hướng chỉ tin vào những gì hợp lý, chứng minh được. Dẫn đến một khuynh hướng giải trừ huyền thoại trong Tin Mừng, để Tin Mừng dễ được đón nhận vào thời đại ngày nay, do anh em Tin Lành khởi xướng và người nổi tiếng trong lĩnh vực này là R. Bultman[3]. Dẫn đến việc họ loại bỏ các phép lạ, thậm chí họ loại bỏ cả sự kiện sống lại của Đức Giêsu, vì họ cho đó là huyền thoại và họ giải thích hợp lý cho người nay dễ đón nhận.
Vd: Việc hóa bánh và cá cho 5000 người ăn, riêng việc Đức Giêsu lấy bánh từ cái bao ra, mỗi cái tốn 5 giây, 5000 tốn 25000 giây, tương đương với 7 tiếng đồng hồ? Họ giải thích:Vì Đức Giêsu hay đi đến những làng xa, việc giảng đạo cũng chọn những chỗ xa người ở, do đó những người thường đi theo Đức Giêsu đã biết rõ nếp sinh hoạt, cho nên họ luôn luôn mang theo bên mình thực phẩm và nước uống. Nên khi nghe Đức Giêsu kêu gọi: “Chúng ta đều là anh em trên trời” mọi người đều tham gia đóng góp và cùng ăn uống. 

Với khuynh hướng này, nhiều người và nhiều nhà Thánh Kinh Công giáo đón nhận và phổ biến trong các đại học, chủng viện. Hậu quả để lại là Đức Giêsu không có quyền năng Thiên Chúa mà chỉ còn lại khả năng tự nhiên của con người. Người ta giải thích Thánh Kinh theo duy lý, duy nghiệm chứ không theo hướng Mạc khải, cuối cùng chối bỏ lòng tin vào Thánh Kinh, vào Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu chỉ là nhân vật khơi gợi lòng tin của con người vào Thiên Chúa, chứ Người không làm phép lạ, không là nguồn ơn cứu độ, không là Đấng trung gian cứu độ. Ngoài ra, những điều trên còn được hỗ trợ bởi:

- Thuyết hiện sinh vô thần (1960) nhấn mạnh sự tự do chọn lựa của con người khi thể hiện và hoàn thành chính mình. Họ tin rằng con người sẽ hạnh phúc khi không bị ràng buộc vào bất cứ điều gì, kể cả Thiên Chúa và luật pháp của xã hội con người. Nói cách khác họ đề cao lối sống buông thả, cụ thể là phong trào “hippi” trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Hậu quả, quan niệm sống này đưa con người đến một cuộc sống vô nghĩa, không định hướng và họ dễ tìm đến cái chết. Đại diện cho thuyết này là Jean-Paul Sartre.
- Sự lớn mạnh của các tôn giáo khác và do ý hướng muốn hòa đồng tôn giáo, khiến cho người Kitô hữu cũng không dám quả quyết Đức Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ

Trong khi đó, các nhà Thánh Kinh Công giáo lại có khuynh hướng loại bỏ chi tiết, chỉ tin vào nội dung cơ bản của Tin Mừng. Khi đó câu hỏi đặt ra, vậy Thiên Chúa có Mạc khải chi tiết không, nhất là những chi tiết sai?

II. Mạc Khải

Mạc = tấm màn; Khải = mở ra
Mặc khải: là cụm từ xuất phát từ nhóm ‘Giờ kinh phục vụ’. Với từ ‘Mặc’ là huyền bí.
Mật khải: Với từ ‘Mật’ là cái gì dấu khuất.

1. Ý nghĩa của Mạc Khải[4

Thiên Chúa tỏ mình và thánh ý của Ngài ra cho con người. Nhằm mục đích để con người đến với Thiên Chúa và thông phần vào bản tính của Ngài. Thiên Chúa sử dụng phương tiện là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể và Chúa Thánh Thần. 

Có 2 hoạt động mà con người có thể nhận biết Thiên Chúa:

- Với lý trí tự nhiên con người nhận biết Thiên Chúa qua các công trình của Ngài. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: "Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người" (Rm 1:20).
- Với mạc khải, chính Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người biết. Nhưng chỉ có Kitô giáo mới được hưởng ơn mạc khải trọn vẹn, khi tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian duy nhất. Hiến chế Dei Verbum - Vatican II – số 2, đã nêu: “Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải”[5]

Thiên Chúa dùng 4 cách để mạc khải:

- Mạc khải tự nhiên hay là mạc khải vũ trụ: Qua vũ trụ, con người nhận diện sự hiện diện của Thiên Chúa.
- Mạc khải qua tiếng lương tâm của con người, đây là mạc khải sơ khai: Con người nhận ra mình phải sống theo những gì đã Thiên Chúa đã khắc ghi trong trái tim họ, làm lành lánh dữ. Từ ngàn xưa con người đã nhận ra: 
“Trời cao có mắt
Thiên bất dung gian”
- Mạc khải qua lịch sử dân tộc Do Thái: Qua lịch sử này, Thiên Chúa cho con người biết Ngài muốn gì ở loài người, không chỉ riêng dân Do Thái. 
- Mạc khải viên mãn trọn vẹn: Là chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa tỏ mình ra, Ngài đã yêu thương con người như thế nào và Đức Giêsu Kitô chính là mẫu con người hoàn hảo để loài người noi theo.

Động lực mạc khải của Thiên Chúa là để con người đến với Ngài và thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Như vậy, các giáo lý, kinh sách và lời cầu khấn của các tôn giáo khác cũng có 1 phần sự thật, nó có nguồn gốc từ mạc khải tự nhiên của Thiên Chúa. Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 2 - Vatican II, đã nêu: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người”.

2. Nội dung mạc khải

Thiên Chúa mạc khải chính mình và thánh ý của Ngài. Qua đó, Ngài mang lại lời giải đáp vĩnh viễn và dư đầy cho những vấn nạn mà con người tự đặt ra cho mình về ý nghĩa và cùng đích cuộc đời họ[6].

Ngài mạc khải dần dần cùng một lúc qua lời nói và hành động liên kết mật thiết với nhau. Hiến chế Dei Verbum, số 2 - Vatican II, đã nêu: “Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó”[7]. Nói cách khác, Thiên Chúa truyền thông chính mình cho con người một cách tiệm tiến. Mạc khải này đã đạt đến tột đỉnh khi Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. 

Mặc dù mạc khải đã hoàn tất, nhưng nó vẫn chưa được giải thích trọn vẹn, vì thế đức tin Kitô giáo còn phải dần dần hoàn thiện; qua dòng thời gian, tìm hiểu tất cả sự cao siêu của mạc khải[8]. Khi đọc lời Chúa, là để chúng ta cảm nhận và đi sâu vào điều Thiên Chúa mạc khải, muốn đạt được điều này, chúng ta phải nhờ phương cách qua Chúa Thánh Thần, để chúng ta sống gắn bó với Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng thánh Gioan đã viết: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách đã viết ra” (Ga 21-25). Do đó, chúng ta không nên hiểu Thánh Kinh theo từng câu mà phải hiểu một cách tổng thể.

II. Thánh Kinh

1. Sự linh hứng trong Thánh Kinh 

- Thiên Chúa là tác giả thông qua việc Chúa Thánh Thần soi sáng để các thánh sử viết Kinh thánh. (105, GLHTCG)
- Các thánh cũng là tác giả, chứ không chỉ là cây viết trong tay Thiên Chúa, các Ngài viết theo: Ý hướng thần học của mình – Hoàn cảnh của mỗi tác giả - Nơi các Ngài muốn gửi đến. Như vậy, Thiên Chúa muốn nói với con người theo cách của con người (106, GLHTCG). Cụ thể:
  • Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng cho dân Do Thái nên Ngài dùng rất nhiều điển tích trong Cựu Ước (vì dân Do Thái nắm rõ Cựu Ước), để chứng minh rằng Đức Kitô đến để thực hiện những điều trong Cựu Ước đã báo trước.
  • Thánh Lu-ca viết cho người ngoài dân Do Thái nên nội dung Tin Mừng của Ngài đề cao vai trò người phụ nữ, do văn hóa người Do Thái vai trò phụ nữ không được đề cao. Và Ngài lưu tâm đến các phép lạ chữa bịnh của Đức Giêsu nhiều hơn các tác giả khác, do Ngài là thầy thuốc.
  • Thánh Gio-an là người viết Tin Mừng sau cùng, Ngài không lưu tâm đến gia phả của Đức Giêsu như 3 thánh sử trên, mà chỉ nhấn mạnh đến màu nhiệm Ngôi hai nhập thể làm người: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga1 – 1) 
- Đức Giêsu Kitô là Lời sống động. Khi đọc Tin Mừng, chúng ta phải đọc trong tâm thức Đức Giêsu Kitô đang hiện hữu, Người đang nói và sống với chúng ta. (108, GLHTCG)

2. Việc giải thích Thánh Kinh[9

- Tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ.
- Giải thích Thánh Kinh trong Thánh Thần. 
- Công đồng Vatican II có 3 tiêu chuẩn để giải thích Thánh Kinh 
  • Phải chú ý đến “nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Kinh thánh”[10] (Vd: Việc Môse nói không tạc tượng, nhưng đến khi Đức Giêsu Kitô đã là hình tượng cụ thể thì không thể căn cứ theo Cựu ước mà cấm tạc tượng).
  • Phải đọc Thánh Kinh trong “Thánh truyền sống động của Hội thánh”[11] (Vd: Anh em Tin Lành không tin tất cả 7 phép bí tích, mà họ chỉ tin phép rửa tội và phép bẻ bánh, vì theo họ, những phép kia trong Kinh Thánh không nói đến, mà họ thì không công nhận Thánh truyền).
  • Chú ý đến “tính tương hợp của Đức Tin”, tức là sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau và trong toàn bộ chương trình mạc khải[12] (Vd: Công giáo tin Thiên Chúa có 3 ngôi, vì trong toàn bộ Tin Mừng đều nói đến Chúa Thánh Thần và chính Đức Giêsu Kittô xác nhận Người là Con tức là Ngôi Con trong Ba Ngôi: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha” [Mt 11, 27a]).
3. Các nghĩa của Thánh Kinh[13

- Nghĩa văn tự, tức là nghĩa đen.
- Nghĩa thiêng liêng, tức là nghĩa bóng. Thể hiện 3 nghĩa: 
  • Ẩn dụ: Dạy điều phải biết, phải tin
  • Luân lý: Dạy điều phải làm
  • Dẫn đường: Dạy điều phải vươn tới
Để hiểu cụ thể giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng, chúng ta xem bài “Anh chị em ruột của Chúa Giêsu” – Nguồn HKK

Với những hướng dẫn trên đây của Huấn Quyền, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh Kinh và múc ra mọi ơn lành cho phần rỗi của chúng ta trong cuộc gặp gỡ và đồng hành với Người tiến về Nước Chúa. 

Sài gòn, buổi học ngày 06 và 13/11/2012
                                                                                                         
                                                                                                  Nhóm cổ vũ “GHXHCG”

-------------------------------

[1] Bằng truyền khẩu: “một phần do các Tông Đồ: qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế, các ngài đã truyền lại những gì đã lãnh nhận từ miệng Đức Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 76).
[2] Trích từ “Đức Giêsu thành Nazareth”, Lời mở đầu – Nguồn HKK
[3] Xem Khuynh hướng “Giải trừ huyền thoại Tin Mừng” – Nguồn HKK
[4] Xem 50-51, GLHTCG
[5] Xem Mt 11,27; Gio 1,14 và 17; 14,6; 17,1-3; 2Cor 3,16 và 4,6; Eph 1,3-14.
[6] Xem GLHTCG, số 68.
[7] Nền thần học Công Giáo đã thường coi Mạc Khải như một lời nói; còn các hoạt động của Chúa thì bị liệt vào hàng rất phụ thuộc. Công Ðồng lại muốn trình bày là Thiên Chúa tự Mạc Khải trước tiên bằng "hành động" (gesta) (không bằng việc làm (facta) vì việc làm có vẻ là một tác động vật chất hơn). Ở đây, chữ "hành động" còn có nghĩa là những biến cố do một người gây nên; trong trường hợp này, con người đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa tự mạc khải bằng cách hoạt động phù trợ dân Ngài, thăm viếng bạn hữu (Abraham, Môisen) và bằng các phép lạ (ví dụ Chúa Kitô) v.v...
[8] Xem số 66, GLHTCG
[9] Xem số 12, Hiến chế Dei Verbum, Vatican II
[10] Xem số 112, GLHTCG
[11] Xem số 113, GLHTCG
[12] Xem số 114, GLHTCG
[13] Xem 115-119, GLHTCG

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks