ngày tháng năm

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Đức Giêsu thành Nazareth

ĐGH Bênêđictô XVI 
Bản dịch của nhóm Thiện Chí
LỜI GIỚI THIỆU

Suy tư khởi đầu về Mầu nhiệm Giêsu

Sách Đệ Nhị Luật có nêu một lời hứa hoàn toàn khác với niềm hy vọng về Đấng Messia được thể hiện trong các sách khác của Cựu Ước, và lời hứa này mang tầm quan trọng có tính quyết định để hiểu về Đức Giêsu. Lời hứa này không nhắm vào một vị vua của Israel và vua của toàn thế giới, hay nói khác đi vào một vua David mới – nhưng lại vào một ông Môsê mới. Chính Môsê diễn giải mình như là một tiên tri, chứ chẳng phải vua. Tính cách “tiên tri” ở đây được nhìn nhận theo một cách đặc biệt và độc đáo chỉ có nơi người Do Thái, trái ngược với cách hiểu theo tôn giáo của các dân tộc lân bang. Điểm mới mẻ và khác biệt ấy xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa – một niềm tin độc nhất, được ban riêng cho Israel.

Con người ở mỗi thời đại đều thắc mắc về nguồn cội của mình, vì họ thấy mù mờ trước câu hỏi: “Con người tự đâu mà có?”; họ còn thắc mắc nhiều hơn về tương lai của mình: “Rồi chúng ta sẽ đi về đâu?” Con người muốn xé tan bức màn che định mệnh, con người muốn biết điều gì sẽ xảy ra, để có thể tránh sự diệt vong và hướng đến sự cứu rỗi.

Các tôn giáo không chỉ nhằm giải thích cội nguồn của con người, mà còn cố gắng vén bức màn che tương lai: tiết lộ điều gì sẽ tới, và chỉ cho con người biết đi đường nào để tránh đau khổ. Người ta xem tôn giáo là quan trọng vì lẽ đó, và điều đó cũng giải thích vì sao trên thực tế tất cả các tôn giáo đều phát triển những cách thức nhìn vào tương lai.

Bản văn Đệ Nhị Luật mà chúng ta đang xem xét đề cập tới những phương cách mà các dân tộc xung quanh Israel sử dụng để mở ra “cánh cửa sổ” nhìn vào tương lai: “Khi vào đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em, thì anh em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: giữa anh em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa” (Đnl 18,9-12).

Câu chuyện về sự sa ngã của vua Saolê cho thấy rất khó chối bỏ những điều trên và giữ lòng trung kiên với Chúa mà không sử dụng chúng. Tuy vua đã cố thi hành lệnh truyền và cấm hành nghề phù thuỷ trên đất nước mình, nhưng khi đối mặt với cuộc chiến sinh tử với quân Philitinh, và không chịu được sự im lặng của Thiên Chúa khi ông thỉnh ý Ngài, ông đã vội chạy sang bà đồng bóng ở Endor, một phụ nữ chuyên gọi hồn, và yêu cầu bà ta triệu hồn của ông Samuel nhằm giúp cho ông một cái nhìn thoáng qua về tương lai. Nếu Thiên Chúa lặng thinh, hẳn một người nào đó sẽ phải tháo gỡ bức màn che phủ tương lai (x. I Sm 28)!

Chương 18 trong sách Đệ Nhị Luật kết án tất cả các kiểu nắm quyền kiểm soát tương lai là “ghê tởm” trước mắt Thiên Chúa, đặt việc bói toán ở vị thế đối nghịch với con đường hoàn toàn khác biệt của Israel, ­- con đường đức tin. Con đường này thành hình dựa trên một lời hứa: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một tiên tri như tôi để giúp anh em, anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15). Thoạt nghe qua cứ ngỡ Thiên Chúa tuyên bố sẽ lập nên “chức vụ tiên tri” ở Israel với vai trò lý giải hiện tại và tương lai. Trên thực tế, có một số “tiên tri giả” (được nói đến trong các văn bản viết về tiên tri) đảm nhiệm vai trò của “thầy bói”, tác nghiệp y như người hành nghề bói toán; trong thời của các tiên tri giả, Israel rơi vào tình trạng tội lỗi bi đát mà các tiên tri thật của Thiên Chúa có sứ mệnh ngăn chặn.

Phần kết của sách Đệ Nhị Luật quay trở về chủ đề lời hứa về tiên tri, và cho thấy một bước ngoặt đáng kinh ngạc: nâng vị tiên tri vượt quá chức vụ tiên tri như thường hiểu, mang lại ý nghĩa thật sự cho vai trò của vị tiên tri này: “Trong Israel, không còn xuất hiện một tiên tri nào như ông Môsê, người mà Thiên Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34,10). Phần kết của sách Đệ Nhị Luật (quyển thứ năm trong Sách của Môsê) mang âm hưởng u sầu. Lời hứa về “một tiên tri như tôi” đã chưa được thực hiện. Bây giờ, ta thấy rõ rằng lời này không đơn giản chỉ nói đến thể chế tiên tri, vì thể chế tiên tri đó thật ra đã có rồi, nhưng lời này hướng ta đến một điều gì khác còn cao cả hơn rất nhiều: đây chính là lời loan báo về một Môsê mới. Rõ ràng là việc chiếm hữu được miền đất Palestin không phải là đã đưa dân được chọn tiến vào ơn cứu độ; mà là Israel vẫn còn đang phải chờ một sự giải phóng thật sự; chờ một cuộc xuất hành triệt để, một cuộc xuất hành cần có một Môsê mới.

Và bây giờ chúng ta được bảo cho biết tính chất độc nhất và thiết yếu nào đã tách ông Môsê ra khỏi hàng ngũ tiên tri thông thường: đó là ông đã đối thoại với Thiên Chúa “mặt giáp mặt”: “Thiên Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Điều quan trọng nhất về nhân vật Môsê không nằm ở những hành động kỳ diệu ông đã thực hiện, cũng không ở những việc làm và những nỗi gian truân ông phải chịu trong cuộc hành trình dài đằng đẵng từ “nhà nô lệ Ai cập” qua sa mạc đến ngưỡng cửa vào Đất Hứa. Điều quan trọng nhất là ông đã đàm đạo với Thiên Chúa như với một người bạn. Điều này là đà tiến duy nhất cho những công trình của ông, và cũng là nguồn phát khởi duy nhất của Lề luật đã hướng dẫn Israel bước đi trên con đường lịch sử.

Giờ đây ta thấy rõ rằng vị tiên tri không phải là một kiểu “thầy bói” đặc trưng của riêng Israel, như con người thời ấy thường tưởng lầm như thế, hay nhiều tiên tri “tự phong” xem mình là như vậy. Trái lại, tiên tri mang một sứ vụ khác hẳn: ông không phải là người báo cáo những sự kiện của ngày mai hay của tương lai để thoả mãn tính hiếu kỳ hay nhu cầu an toàn của con người. Ông chỉ cho chúng ta thấy gương mặt thật sự của Thiên Chúa, và khi làm như thế, ông chỉ dẫn cho chúng ta con đường phải đi. Ông không chỉ ra cái tương lai ngày một ngày hai mà người ta thường thỉnh vấn các nhà bói toán, nhưng tương lai này xa hơn nhiều. Ông hướng dẫn về con đường đi đến một “cuộc xuất hành” thật sự: Giữa những lối đi trăm chiều trong dòng lịch sử, con đường dẫn tới Thiên Chúa là hướng đi đúng đắn mà chúng ta phải tìm kiếm và tìm thấy. Tiên tri theo cách này chính là hệ quả tất yếu từ niềm tin độc thần của Israel, là sự diễn dịch của đức tin đó vào đời sống hàng ngày của một cộng đồng dân tộc trước mặt Chúa và đang trong cuộc lữ hành tìm đến với Ngài.

“Trong Israel, không còn xuất hiện một tiên tri nào như ông Môsê” (Đnl 34,10). Lời nhận định trên mang âm hưởng cánh chung, đáp lại lời hứa rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một tiên tri như tôi” (Đnl 18,15). Israel được phép hy vọng vào một vị Môsê mới, người chưa xuất hiện, nhưng rồi sẽ đến vào đúng thời đúng buổi. Và đặc điểm của vị “tiên tri” này là ngài sẽ đối thoại với Thiên Chúa mặt giáp mặt, như bạn hữu trò chuyện với nhau. Nét đặc trưng của ngài chính là việc ngài liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, điều này cho phép ngài thông truyền ý định và lời nói của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và đúng đắn. Và đấy chính là sự can thiệp cứu độ mà Israel, cũng như cả nhân loại, đang khao khát đợi trông.

Tuy nhiên về điểm này chúng ta cũng cần nhắc lại một câu chuyện đáng lưu tâm khác, mà Sách Xuất Hành thuật lại, về mối liên hệ của ông Môsê với Thiên Chúa. Môsê cầu xin với Chúa: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33,18). Thiên Chúa từ chối: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta” (Xh 33,20). Môsê được đặt gần Thiên Chúa, trong hốc đá, và Thiên Chúa đi ngang qua cùng với vinh quang Ngài. Khi đi qua, Thiên Chúa lấy tay che mặt ông Môsê, rồi cuối cùng Ngài rút tay đi: “Ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33,23).

Đoản văn huyền bí này đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Do Thái và khoa thần bí Kitô giáo. Đoản văn trên là cơ sở để phân định đâu là giới hạn thân cận có thể đạt được nếu diện kiến với Thiên Chúa trong đời này và đâu là biên giới của thị kiến mạc khải thần linh. Trở về vấn đề đang bàn, điểm chính là dù cho Môsê có sự liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, nhờ đó ông trở thành đấng trung gian vĩ đại của Mạc khải, trung gian của Giao ước, nhưng sự liên hệ này vẫn có giới hạn. Dù ông được phép vào trong cột mây nơi Thiên Chúa đang hiện diện và đàm đạo với Thiên Chúa như với một người bạn, nhưng ông không thấy gương mặt của Thiên Chúa. Do đó, lời hứa về “một tiên tri như tôi” hàm chứa một niềm trông đợi còn cao xa hơn nữa: rằng vị tiên tri cuối cùng, Môsê mới, sẽ được ban cho điều mà ông Môsê đầu tiên đã bị từ chối: đó là sự diện kiến thật sự và trực tiếp dung mạo của Thiên Chúa, và trò chuyện với Thiên Chúa trong lúc chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài, chứ không phải chỉ nhìn sau lưng. Từ đó đương nhiên đưa đến một sự kỳ vọng rằng vị Môsê mới sẽ là đấng trung gian của một giao ước còn lớn lao hơn giao ước mà ông Môsê cũ đã mang xuống từ núi Sinai (x. Dt 9,11-24).

Đây là lúc chúng ta cần đọc lại câu kết luận trong phần mở đầu của Phúc Âm theo Thánh Gioan, “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Chính ở nơi Đức Kitô, lời hứa về vị tiên tri mới - được hoàn tất. Những gì còn chưa thành toàn nơi ông Môsê từ nay đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu: Người sống trước nhan Thiên Chúa, không phải như người bạn, mà như người Con; Người sống trong sự hợp nhất thân tình tột điểm với Chúa Cha.

Đây là điểm khởi hành để từ đó ta có thể hiểu tất cả những gì được trình bày về Đức Kitô trong Tân Ước: lời nói, hành động, nỗi đau và vinh quang của Người. Nếu chúng ta thờ ơ với trọng điểm này, chúng ta không thể hiểu đúng về con người Giêsu, vì nhân vật Giêsu như ta hình dung sẽ trở nên tự mâu thuẫn và cuối cùng là không thể hiểu được. Nhìn từ góc độ này (Đức Giêsu là Con Thiên Chúa), ta có thể trả lời các câu hỏi mà mỗi người đọc Tân Ước cần nêu: Giáo huấn của Đức Giêsu đến từ đâu và nên giải thích thế nào về sự hiện diện của Người trong lịch sử. Thái độ của dân chúng khi nghe Người giảng dạy đã cho ta thấy rõ: Giáo huấn của Người không đến từ trường phái nào cả, hoàn toàn khác với những điều được dạy ở trường, không giống kiểu giải thích thường tình mang tính giáo điều. Giáo huấn đó hoàn toàn khác vì đây là cách trình bày “đầy quyền năng”. Sau này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về lời nói của Người, ta cũng sẽ phải quay trở lại nhận định trên của thính giả thời ấy về lời giảng của Đức Giêsu và nghiên cứu sâu hơn về ý nghĩa của nhận định đó.

Giáo huấn của Đức Giêsu không là sản phẩm của quá trình học hỏi ở con người, dù cách thức nào đi nữa. Giáo huấn này phát sinh từ mối liên hệ trực tiếp với Chúa Cha, từ sự đàm đạo “mặt đối mặt”, từ tầm nhìn của “Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha”. Đó là lời của Người Con. Nếu không được Người Cha truyền đạt nền tảng nội tâm như thế, giáo huấn của Đức Giêsu chỉ là những lời giả định về chân lý mà thôi. Những người học thông hiểu rộng thời Đức Giêsu cho rằng lời của Người chỉ mang tính giả định, họ hành động như thế cũng đúng thôi vì họ không thể nào chấp nhận nền tảng nội tâm này của Đức Giêsu: đó là việc Người nhìn thấy mặt đối mặt và trực tiếp hiểu biết Thiên Chúa là Cha Người.

Các bản văn Phúc Âm đều có các đoạn cho biết Đức Giêsu rút lui “lên núi” để cầu nguyện hằng đêm “một mình” với Chúa Cha (x. Mt 14,23). Những đoạn văn đó hé mở một chút bức màn huyền nhiệm, cho chúng ta thoáng nhìn thấy sự hiện hữu là con của Đức Giêsu, nhìn thấy được cội nguồn của hành động, lời giảng dạy, và sự tự nguyện chịu đau khổ của Người. Việc Đức Giêsu “cầu nguyện” thật ra đó là lúc Người đàm đạo với Cha của mình; ý thức và ý chí của con người Giêsu, linh hồn của Người, được sáp nhập hoàn toàn vào cuộc trao đổi đó, và theo cách này, lời “cầu nguyện” của con người có thể chuyển hóa thành việc tham dự vào sự thông hiệp của Người Con với Chúa Cha.

Adolf von Harnack đã nói một câu nổi tiếng rằng thông điệp của Đức Giêsu là về Chúa Cha mà thôi, chứ không phải về Chúa Con, và do đó Kitô học không có chỗ đứng nào ở đây cả! Từ những gì chúng ta đã bàn, luận điểm này rõ ràng là không có cơ sở. Đức Giêsu chỉ có thể nói về Chúa Cha theo cách Người đã làm, đó là vì Người là Con, và cũng vì Người thông hiệp với Chúa Trời như giữa Con với Cha. Chiều kích Kitô học - hay nói cách khác là mầu nhiệm của Chúa Con như Đấng mạc khải về Chúa Cha - hiện diện trong mọi điều Đức Giêsu nói và làm.

Một điểm quan trọng nữa cần nhắc đến ở đây: chúng ta đã nói ở trên rằng trong lúc Đức Giêsu cầu nguyện, linh hồn theo nhân tính của Người được đưa vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Vì thế, người môn đệ đồng hành với Đức Giêsu cũng được nâng lên cùng Người để bước vào sự thông hiệp với Thiên Chúa, và đây là ý nghĩa của sự cứu độ. Sự cứu độ chính là việc con người vượt qua những giới hạn của bản tính con người để hiệp thông với Thiên Chúa, – cuộc vượt qua này đã có mặt ở đó như một khả năng và niềm hy vọng của con người vì ngay từ lúc tạo dựng con người đã mang hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa.

Hướng dẫn học hành

Bài 2 – Phần “Lời Giới thiệu” cuốn Đức Giêsu thành Nazareth của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Tóm lược

Tương lai sẽ mang đến điều gì; số phận của tôi rồi sẽ đi về đâu? Những câu hỏi cơ bản này phát sinh trong lòng người vẫn còn bỏ ngỏ chưa có câu trả lời. Câu trả lời được đem đến cho con người cách đặc biệt trong Cựu Ước, qua các vị tiên tri và cuối cùng là ở nơi Đức Kitô. Con người không được phép suy đoán tương lai qua những phương cách bị cấm đoán như bói toán hay các tà thuật, nhưng thay vào đó, phải quy hướng về Thiên Chúa, Đấng tỏ lộ trọn vẹn cho con người biết về chính họ và số phận của họ.

Trong Lời Mở đầu này, Đức Thánh Cha Bênêđictô trình bày khuôn mặt Đức Kitô qua lăng kính của sách Đệ Nhị Luật. Trong đó có lời hứa về Đấng Messia được giới thiệu như một vị tiên tri - một “Môsê mới”, hơn là một vị vua – một “David mới”. Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê lên tiếng về lời hứa: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Thiên Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một tiên tri như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15, như được trích dẫn trong cuốn Đức Giêsu Thành Nazareth). Lời tiên tri này không đơn giản nói đến một chức vụ tiên tri, nhưng hơn thế, nói tới một “Môsê mới”. Lời hứa này không mong đợi được thực hiện trọn vẹn vào thời ông Môsê, nhưng hướng đến một tương lai xa hơn.

Đức Thánh Cha Bênêđictô còn xác định rằng đặc điểm nổi bật của ông Môsê mới là tình bạn thân thiết giữa ông với Thiên Chúa, đến mức có thể trò chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như thể “mặt đối mặt”. Nhờ sự thông hiệp với Thiên Chúa này mà ông có thể thực hiện những việc phi thường và truyền đạt Lề Luật. Vai trò của vị tiên tri thật sự, là diễn tả hay vén mở cho con người thấy gương mặt của Thiên Chúa, và khi làm thế cho con người, vị này cũng chỉ cho họ con đường đúng phải đi. Vị tiên tri thật không phải là người chỉ nói về chuyện tương lai, nhưng là người mạc khải về Thiên Chúa, chính điểm này phân biệt vị tiên tri với kẻ bói toán.

Sau khi tìm hiểu về ông Môsê và chức vụ tiên tri, người ta có thể hiểu tại sao Đức Giêsu là một Môsê mới. Đức Giêsu không chỉ “giống như Môsê”, mà còn trổi vượt hơn ông ở điểm: trong khi Môsê chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa thoáng qua phía sau lưng, còn Đức Giêsu diện kiến Thiên Chúa “mặt đối mặt” – Đức Giêsu là vị tiên tri tuyệt vời hơn cả. Người mạc khải dung nhan Thiên Chúa theo một cách siêu việt và độc đáo. Đến với Đức Giêsu để hiểu biết Người, chúng ta mới có thể hiểu biết Chúa Cha.

Dàn ý

I. Sách Đệ Nhị Luật

A. Đức Giêsu hoàn thành lời tiên tri trong sách Đệ Nhị Luật 18,15 và 34,10 - báo trước về một vị tiên tri giống ông Môsê sẽ đến – vị này cao trọng hơn Môsê, vì được diện kiến Thiên Chúa “mặt đối mặt” trong khi ông Môsê chỉ được thoáng thấy Ngài phía sau lưng.

B. Nhiệm vụ của tiên tri là mạc khải cho con người gương mặt của Thiên Chúa.

C. Đức Giêsu như một Môsê mới, và là Đấng trung gian cho một giao ước mới.

II. Hình ảnh Đức Giê-su

A. Những lời Đức Giêsu giảng dạy là từ những gì Người học nơi Thiên Chúa Cha.

B. Người môn đệ học hỏi từ Đức Giêsu sẽ được tham gia vào sự hiệp thông giữa Chúa Con và Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần.

Câu hỏi đọc hiểu

1. Đâu là sự khác nhau giữa lời hứa về một David mới và lời hứa về một Môsê mới?
2. Đâu là sự khác nhau giữa các tiên tri Do Thái và các thầy bói toán của các dân ngoại bang?
3. Tại sao đoạn kết của sách Đệ Nhị Luật mang âm hưởng u sầu?
4. Theo Đức Bênêđictô, vị tiên tri Môsê mới có đặc điểm nào quan trọng nhất? Tại sao Đức Giêsu có thể thực hiện vai trò này trong khi ngay cả ông Môsê cũng không thể thi hành?
5. Vì sao Đức Bênêđictô nói rằng muốn hiểu rõ Đức Giê-su, chúng ta phải biết khoảng thời gian Người đơn độc cầu nguyện với Thiên Chúa Cha là yếu tố quyết định?

Câu hỏi áp dụng

1. Có bao giờ tôi mất kiên nhẫn với Thiên Chúa, như ông vua Saolê không? Liệu niềm tin vào Đức Giêsu Kitô có thể giúp tôi chống trả cơn cám dỗ quay sang tìm các giải pháp khác (như bói toán, thầy đồng cốt) không? Giúp đỡ như thế nào?
2. Đời sống Kitô hữu thường được ví như một cuộc xuất hành thiêng liêng. Làm sao mà tiếng nói của các vị tiên tri trong Thánh Kinh có thể giúp định hướng cho cuộc xuất hành này?
3. Tại sao những thính giả ngày xưa lắng nghe Đức Giêsu nói có thể nhận ra rằng giáo huấn của Người đến từ trời cao, chứ không thể từ nơi đất thấp của người trần thế? Điều gì trong lời giảng dạy của Đức Giêsu tiếp tục khơi dậy phản ứng tương tự nơi con người thời nay?
4. Làm thế nào tôi có thể kết hợp lời cầu nguyện của tôi với lời nguyện của Đức Kitô? Cho vài ví dụ cụ thể.

Thuật ngữ
  • Cánh chung học: môn học bàn về “các sự sau cùng’ hay định mệnh cuối cùng của con người và thế giới.
  • Adolf von Harnack: Nhà thần học Tin Lành người Đức, và đồng thời là một học giả Kinh Thánh (1851-1930) – người đã cống hiến nhiều cho việc phổ biến phương pháp phê bình lịch sử. Ông cũng nổi tiếng vì cố gắng “tẩy trừ” ảnh hưởng về tư tưởng và văn hóa của Hy Lạp ra khỏi Thiên Chúa giáo để, theo ý ông muốn nói, quay trở về với một dạng thức Thiên Chúa giáo thuần khiết. Ông cũng cho rằng qua thông điệp của Người, Đức Giêsu không tuyên xưng về chính Người cho bằng tập trung vào Thiên Chúa Cha.
Nguồn: HKK


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks