ngày tháng năm

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

HÃY COI CHỪNG HAI CHỦ THUYẾT NGUY HIỂM HIỆN ĐẠI !


Sau khi nêu lên một "linh hồn" và bốn nguyên tắc căn bản phải có đối bất cứ một đồ án và chương trình chính trị xã hội nào, để áp dụng vào thực tế, Giáo Hội cảnh giác con cái mình và những ai thành tâm thiện chí, phải coi chừng hai chủ thuyết nguy hiểm hiện đại, đang có ảnh hưởng tai hại đến quan niệm cuộc sống con người, nếu họ muốn thực sự xây dựng một xã hội có tầm vóc tương xứng với phẩm giá con người. Đó là: 

- "tân ngoại giáo chủ nghĩa" (néopaganisme) và 
- "tương đối chủ nghĩa" (relativisme). 

1 - Tân ngoại giáo chủ nghĩa (néopaganisme). 

Cảm nghiệm của người tín hữu Chúa Ki Tô hôm nay cũng gần tương tợ tình trạng các tín hữu tiên khởi thời các Thánh Tông Đồ gặp phải. 

Đó là người có niềm tin tôn giáo, không những Ki Tô giáo, mà còn cả tín hữu của các tôn giáo khác nữa, đều cảm nhận mình đang đứng trước một nền văn hoá không có Thiên Chúa hay vô thần đang được phổ biến trong dân gian. 

Các trào lưu Nhân Bản chủ nghĩa (humanisme), Phục Hưng chủ nghĩa (Renaissance), Thiên Khải chủ nghĩa (Illuminisme) và Cuộc Cách Mạng Pháp Quốc 1789 là những tiến trình tuần tự tạo ra sự chia tách đạo đời, đưa đến chủ thuyết thế tục hoá nền văn hoá của các Quốc Gia, kể cả của những Quốc Gia có nền văn hoá cổ truyền Ki Tô giáo. 

Qua các tiến trình trên, xã hội hiện đại của chúng ta đang có khuynh hướng làm cho lý trí tách rời khỏi đức tin, cho rằng mình tự lập đối với Thiên Chúa, tự xưng mình là lý trí, cũng là "chúa" như Thiên Chúa. 

Khoa học và tôn giáo không thể gặp được nhau, đó là ý kiến của họ. 

Chính trị (politique), hay cách tổ chức cuộc sống xã hội xã hội, bởi lẽ từ ngữ chính trị (politique, phát xuất từ ngôn ngữ Hy Lạp, polis: thị xã; và như vậy chính trị, (politique), không có gì khác hơn là cách tổ chức làm sao cho cuộc sống trong "thị xã" (polis) được đều hoà, trôi chảy, lợi ích cho cuộc sống cộng đồng và cho từng người một). 

Với ý nghĩa chính trị vừa kể, những ai chủ trương theo truyền phái "tân ngoại giáo" (néopaganisme) cho rằng giữa luân lý và tôn giáo không thể có được một mối liên hệ nào. 

Và rồi với trào lưu đang được thịnh hành về tự do và thái độ phải nhân nhượng, tôn trọng ý kiến khác biệt của người khác, trong cộng đồng xã hội, "người công dân tự do" không thể đưọc coi là người có đức tin tôn giáo. 

Đối với những người của chủ nghĩa tân ngoại giáo, trung tâm điểm của cuộc sống xã hội đơn giản chỉ có con người là đủ. 

Các tư tưởng triết lý, luân lý, tôn giáo đều là những tư tưởng thuyết lý không có một ảnh hưởng nào đến cuộc sống thiết thực trong xã hội! 

Nền văn hoá thuần nhân bản chối bỏ mọi ảnh hưởng Ki Tô giáo, nói riêng và mọi tôn giáo nói chung; chỉ ủy thác cách suy tư thành đồ án và tổ chức thành chương trình thực hiện cuộc sống xã hội cho lý trí và cho thế giới vật chất với luật lệ phát xuất từ bản thể tự nhiên của chúng. 

Ngành siêu hình học (métaphysique) được coi là vô giá trị, tân ngoại giáo chủ nghĩa loại bỏ đi nền triết học của những gì thực thể hiện hữu và sự sống, để dần dần có khuynh hướng sát nhập vào hư vô chủ nghĩa (nihilisme). 

Nền văn hoá mới của khoa học, hay văn hoá tân ngoại giáo, tách rời khỏi tôn giáo và luân lý, chỉ còn hoàn toàn dựa vào phương thức quy nạp (inductif), để đi đến chủ thuyết hoàn toàn thực nhiệm (positivisme) và chủ nghĩa duy khoa học (scientivisme): những gì 

- vượt quá khả năng của các giác quan con người 
- và không kiểm chứng được bằng các trắc nghiệm khoa học không có một ảnh hưởng nào đến đời sống cá nhân con người và xã hội. 

Bởi đó tôn giáo chỉ được coi là vấn đề cá nhân riêng tư. 

Tuy vậy đối với ĐTC Gioan Phaolồ II, nền văn hoá thuần lý và thuần khoa học của trào lưu hiện đại không hoàn toàn là những gì tiêu cực, bởi lẽ là nền văn hoá đang mở ra cho chúng ta những phương thức mới để truyền bá Phúc Âm: 

- "các mức tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhứt là y khoa thực hiện được để phục vụ nhân loại, ý thức sống động về trách nhiệm đối với môi sinh; các cố gắng để thiết lập lại hoà bình và công lý nơi đâu bị vi phạm; thiện chí hoà giải và liên đới giữa các dân tộc khác nhau, nhứt là trong mối liên hệ phúc tạp giữa Bắc và Nam địa cầu" (ĐTC Gioan Phaolồ II, Tertio millenio adveniens (10. 11. 1994), n. 46, in EV XIV/1800). 

Như vậy thế giới tân tiến của chúng ta được thể hiện như là một kinh nghiệm với các giá trị và nhược điểm đối cực (ambivalents): 

- một đàng thế giới tân tiến chúng ta đang thực hiện được những cấu trúc kinh tế, kỹ thuật và xã hội, bằng cách tăng trưởng gấp bội số lượng sản phẩm được sản xuất, làm cho con người "có được nhiều hơn" ( plus avoir); 
- nhưng đàng khác cũng việc làm mất đi ước vọng luân lý và thiêng liêng đã tạo nên những hình thức nghèo khó và loại trừ mới, làm tổn thương đến con người trong cách "sống" của mình. 

Một đàng thế giới hiện đại đã 

- tạo ra các khoản không gian và cấu trúc thuyết lý ( formelles) về tự do và bình đẳng, 
- thâu nhận được những giá trị quan trọng như đặc tính trần thế (laicité) của các vật thọ tạo, 
- sự khoan dung chấp nhận những khác biệt (tolérance), 
- tính cách đa nguyên-đa dạng (pluralisme), 
- tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; 
- nhưng đàng khác, trong nhiều trường hợp, làm nảy sinh ra những sức mạnh tiêu cực, trong nhiều trường hợp, làm hủy diệt đi những gì đã chiếm lấy được. 

Một đàng đời sống văn minh hiện đại đã làm nảy sinh các cơ chế quốc tế về công lý và hoà bình; nhưng đàng khác, cũng đưa đến chiến tranh sinh sôi nẩy nở, đến các cuộc gia tăng vận tốc đua nhau tăng cường vũ khí, đã tạo nên cho nhân loại ác mộng tàn phá của nguyên tử. 

Và rồi ngay cả đến những mức tiến vượt bực trong lãnh vực sinh vật học (biologie), di truyền học (génétique) và khoa học y khoa, thay vì là những tiến bộ để phục vụ cuộc sống, đang đe doạ có thể trở thành lý lẽ đưa đến sự chết. 

Qua những gì vừa được tìm hiểu, chúng ta có thể nói rằng khuynh hướng của thế giới hiện đại muốn bẻ gảy mối liên hệ giữa văn hoá, luân lý và tôn giáo và thay thế các ý thức hệ của dân chúng theo ảnh hưởng Ki Tô giáo, đưa đến hậu quả là loan truyền phổ biến nhãn quang thuần vật chất và thế tục của đời sống cá nhân và xã hội. 

Chúng ta đang đứng trước một lối văn hoá không có Thiên Chúa, mà người ta có thể gọi không có gì quá đáng là "tân ngoại giáo chủ nghĩa" (néopaganisme). 

"Tân ngoại giáo chủ nghĩa", như chủ thuyết ngoại giáo thời cổ, đề cao các lối sống bừa bãi vô luân lý, bạo lực, tiền bạc và quyền lực. 

Và từ đó, nhứt là ai trong chúng ta cũng thấy, như lịch sử đã thừa chứng minh, chủ thuyết ngoại giáo không có khả năng thực hiện được một xã hội con người được hạnh phúc hơn, tự do hơn và công bằng hơn. 

Cũng vậy, "tân ngoại giáo chủ nghĩa" cũng đang hướng dẫn nhân loại đi vào vết xe đã đổ của quá khứ. 

Nếu trên thực tế quan niệm "tân ngoại giáo chú nghĩa" 

- cho phép chúng ta "có được nhiều hơn" (plus avoir), 
- chủ thyết đó đang dẫn chúng ta đi vào con đường bị kết án "sống ít hơn" (moins être): 

* sống không có gì xứng đáng với nhân phẩm con người trong cuộc sống đời nầy 
* và càng không có gì bảo đảm cho con người có được cuộc sống hạnh phúc đời sau 

Bởi lẽ là lý thuyết đang dẫn chúng ta đi trên con đường không có Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể gặp được Người, khi chúng ta đi đến cuối đường của cuộc sống trần thế, cùng đích của con người chỉ là sống và chết như một con vật sao? 

Tổng lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội 
(Compendio della Dottrina sociale della Chiesa) 

n. 16 Các câu hỏi cốt cán vẫn luôn theo sát bên cạnh con người ngay từ lúc khởi đầu trên các bước đường, càng gia tăng hơn mãnh liệt hơn trong thời đại chúng ta, do trương độ của những cơn thử thách càng rộng lớn hơn, cục diện mới của tiến trình được thay đổi, câu hỏi nói lên ý nghĩa của các việc lựa chọn mà các thế hệ hiện tại được mời gọi thực hiện. 
Cuộc thử thách thứ nhứt trong các cuộc thử thách lớn, mà nhân loại ngày nay đang gặp phải, đó là thử thách về chân lý về chính bản thể con người (essere - homo) của mình. 
Lằn ranh và mối tương quan giữa thiên nhiên, kỹ thuật và luân lý đòi buộc trách nhiệm của con người, trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể, đối với các yếu tố thiên nhiên. Thái độ con người phải có, tùy thuộc vào bản thể con người là gì, con người có thể làm được gì và con người phải sống như thế nào. 
Cuộc thử thách thứ hai được đặt ra tùy theo sự hiểu biết và khả năng điều hợp tính cách đa nguyên đa dạng (pluralismo) và những sự khác biệt ở tất cả mọi thứ bậc: khác biệt về tư tưởng, lựa chọn luân lý, văn hoá, gia nhập vào tôn giáo, quan niệm phát triển con người và xã hội. 
Cuộc thử thách thứ ba là cuộc thử thách toàn cầu hoá (globalisation), có ý nghĩa rộng rãi và sâu đậm hơn những gì chỉ đơn sơ liên quan đến kinh tế, bởi vì thế giới chúng ta đang mở ra một kỷ nguyên mới, liên quan đến số phận của các nhân loại. 

2 – Tương đối chủ nghĩa ( relativisme). 

Chủ nghĩa thứ hai mà Giáo Hội muốn cảnh giác con cái mình, nhứt là người tín hữu giáo dân là những người có những mối liên hệ trực tiếp với các tổ chức chính trị – xã hội, suy nghĩ định chế, thảo luận thành đồ án, thiết lập chương trình hành động để thực hiện công ích cho xã hội, đó là ”tương đối chủ nghĩa” (relativisme). 

ĐTC Gioan Phaolồ II ngay từ thập niên 90 đã kêu gọi lưu ý, cảnh giác về hiểm hoạ của tương đối chủ nghĩa: 

- ”Ở nhiều Quốc Gia, sau cuộc sụp đổ của các ý thức hệ, có quan niệm trói buộc chính trị vào quan niệm toàn trị thế giới – Mác Xít là một trong những ý thức hệ toàn trị đó -, được phát hiện lên một quan niệm không có gì là kém nguy hiểm hơn về việc chối bỏ các quyền căn bản của con người và việc sáp nhập, hấp thụ vào chính trị chính cả ước vọng tôn giáo sâu thẩm trong tâm hồn của mỗi con người: đó là mối nguy hiểm của cấu kết liên minh giữa dân chủ và tương đối luân lý, tước bỏ đi mọi tiêu chuẩn luân lý chắc chắn đối với cuộc sống dân sự, và một cách cực đoan hơn nữa, chối bỏ đâu là tiêu chuẩn để nhận ra chân lý ” (ĐTC Gioan Phaolồ II, Veritatis splendor ( 06.08.1983), n. 101, in EV XIII/ 2784). 

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, hiện nay là ĐTC Benedictus XVI, lúc còn ở cương vị Chủ Tịch Thánh Bộ Giáo Lý về Đức Tin (Congregazione per la Dottrina della Fede) đã nhiều lần đề cập đến vấn đề “tương đối chủ nghĩa” như là 

- ”vấn đề hệ trọng nhứt của thời đại chúng ta” (J, Ratzinger, Fede, verità, tolleranza. Il cristìanesimo e le religioni del mondo, Cantagalli, Siena 2003, 78). 

Và rồi đối với những chỉ dẫn chính xác hơn, như là những chỉ dẫn cho các tín hữu dấn thân vào chính trị, trong bản Ghi Chú Giáo Lý (Nota Doctrinalis), chính Thánh Bộ đưa ra huấn dụ: 

- ”Tự do chính trị không phải, cũng không thể được đặt nền tảng trên các tư tưởng tương đối về lợi ích của con người, như là mọi tư tưởng đó đều có cùng chân lý và giá trị như nhau” (Congregzione per la Dottrina della Fede, Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l’impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica, in l’Osservatore Romano (17.01.2003), n.3.). 

”Tương đối chủ nghĩa” thu hẹp cuộc sống dân chủ thành cách hành xử hoàn toàn thực dụng; 

- xoá bỏ đi đặc tính trong sáng các động tác của các cơ quan công quyền, biến các cơ quan đó, thay vì là dụng cụ để phục vụ công ích, được biến đổi thành dụng cụ của quyền lực và lợi thú phe nhóm; 
- làm cho mất đi ý nghĩa mục đích của tổ chức Quốc Gia nơi giới lãnh đạo, cũng như nơi người dân. 

Trước viễn tượng đó, chúng ta không có gì phải lấy làm lạ còn được nghe chính Đức Hồng Y J. Ratzinger đề cập đến ”tương đối chủ nghĩa” ngay trong bài giảng ngày 18.04.2005, trong Thánh Lễ để tuyển chọn Giáo Hoàng (Missa pro eligendo pontifice), trước khi vào phòng nghị hội (Conclave), và sau đó ngài được tuyển chọn thành ĐTC Benedictus XVI. 

Và đây là lời của ĐHY J. Ratzinger về “tương đối chủ nghĩa” hôm đó: 

- ”Một thực tế độc tài” tương đối chủ nghĩa ”đang được hình thành, không chấp nhận bất cứ điều gì được coi là quyết định và dành lại như là khuôn thước đo lường tối hậu cho chính cái tôi và những gì tôi muốn” (J. Ratzinger, Omelia della Messa per l’elezione del Pontefice, in l’Osservatore Romano (19.04.2005), 7). 

A) Tương đối chủ nghĩa là gì? 

Tương đối chủ nghĩa được phát sinh tiếp theo những cuộc phá sản của các ý thức hệ của thế kỷ XIX và XX, như là phản ứng lại cho bao nhiêu lời hứa ngoạn mục, làm cho bao nhiêu thế hệ sống trong mơ ước. Dĩ nhiên đó là những lời hứa không tưởng. 

Thật vậy, bao nhiêu ”thần tượng ” của thời đại chúng ta đã bị đổ vở thành mảnh vụn, hết thần tượng nầy đến thần tượng khác, 

- thần tượng của phe ”thiên cảm” (illuminisme) với ”nữ thần lý trí“, làm cho người ta tưởng là có thể giải quyết hết mọi chuyện bằng lý trí, bị tan vở thành mảnh vụng vào cỏi hư vô (nihilisme). 
- thần tượng của ”phát triển vô hạn định“, được sinh ra với thời cách mạng kỹ nghệ, bị tan vỡ với các lối hành xử tư bản man dại, 
- thần tượng quốc gia ”tự mãn và tự lập” của những thể chế quốc gia cực đoạn của tiền bán thế kỷ XIX và các chế độ phát sinh từ Cách Mạng tháng mười Nga Sô, đã bị tan vỡ với việc đưa đến các hình thức độc tài và toàn trị vô nhân đạo, mở đường cho các cuộc thế chiến và diệt chủng khủng khiếp, 
- thần tượng ”phát triển” đã bị đổ vở từng mảnh với các hình thức thuộc địa mới và đưa thế giới đến bên bờ vực thẳm của những cuộc tàn phá môi sinh, 
- và sau cùng thần tượng ảo tưởng ý thức hệ ”giải phóng“, theo đó thì con người sẽ tự tháo gỡ khỏi mọi xiềng xích bằng chính đôi tay của mình, đã bị vỡ tan thành mảnh vụn và chôn vùi trong các đống gạch vụn ở bức tường Bá Linh. 

Có thể nói rằng ”tương đối chủ nghĩa” là kết quả tất nhiên của những gì sau cùng mà ”thiên cảm chủ nghĩa” phải đưa đến. 

Và đó cũng là những gì Hội Đồng Giám Mục Ý Quốc đã khẳng định trong một phiên hợp thường niên năm 2001: 

- ”Vào phần cuối của kỷ nguyên Ki Tô giáo thứ 2000, đã xảy ra một cơn khủng hoảng đích thực về ý nghĩa luân lý. Với câu nói vừa kể, chúng tôi không có ý, cũng không thể nói rằng con người hiện nay xấu xa hơn so với quá khứ: đúng hơn là có thể nói rằng hiện nay khó mà đề cập được đến tư tưởng cho biết đâu là sự thiện, cũng như đâu là điều ác, mà không gây ra không những phản ứng, cho bằng đơn sơ hơn nói ra tư tưởng mà không ai hiểu được. Dĩ nhiên người nam cũng như người nữ ở thời đại chúng ta, họ có những giá trị để định chuẩn – ai có thể sống mà không tin tưởng vào một điều gì hay vào một người nào đó? – nhưng điều làm cho họ gặp khó khăn hay không mấy quan trọng cho rằng điều làm định hướng các việc mình lựa chọn cho đời sống là điều hữu lý, từ đó họ chỉ còn có thể hoàn toàn phó thác. Hành xử theo tình trạng xúc động của mỗi người – hay còn nguy hiểm hơn nữa – là phó thác cho tư tưởng thần tượng đang thẩm thấu vào trong xã hội chúng ta đối với nhiều vấn đề luân lý khác nhau, không có gì là ngoại vi phụ thuộc” (C.E.I., Comunicare il Vangelo in un mondo che cambia ( 29.06.2001), n. 41, in Il Regno – documenti 46 ( 13/2001) 450). 

Nói như vậy, không ai có ý chối bỏ ”thiên cảm chủ nghĩa” (illuminisme) là cha đẻ của nền văn hoá tự do, làm phát sinh và bênh vực dân chủ, xác nhận và bảo vệ các quyền và tự do của con người. 

Tuy vậy, rất tiếc chúng ta phải nhìn nhận rằng đồ án của ”thiên cảm chủ nghĩa” về một nền luân lý hoàn toàn đặt trên lý trí, được mọi người công nhận, là đồ án hoàn toàn phá sản (Giuliano Amato, Dove nasce la società egoista, in Repubblica ( 09.12.2004). 

Bởi đó tình trạng bấp bênh, không có gì chắc chắn của thời điểm khởi đầu ngàn năm thứ ba xác nhận rằng lý trí, khoa học, kỹ thuật, phát triển kinh tế , mặc cho những kết quả đầy phấn khởi đã đạt được, nhưng tự chúng không thể giải thoát được con người. 

Con người không thể chỉ hy vọng vào những phát triển vừa kể là có thể làm cho mình được tự do và hạnh phúc. 

Con người hiện đại của chúng ta, trước kia tin rằng với lý trí của mình, mình có thể tự giải quyết lấy mọi sự, ngày nay sau bao nhiêu phát triển và tiến bộ đạt được, cảm thấy mình đang ở trong ảo vọng và mất định hướng, đang trở thành mồi cho ”tương đối chủ nghĩa” có khả năng làm tê liệt mọi suy tư của mình, 

- bởi lẽ chân lý nầy cũng như chân lý kia, 
- mọi ý kiến đều có giá trị như nhau, và từ đó không ai có thể chối bỏ, chống báng ý kiến của người khác, ”cộng sản hay không cộng sản cũng vậy” ! 
- tất cả mọi suy tư và động tác trong một thể chế dân chủ đều cùng lúc có giá trị như nhau. 

Hậu quả tàn phá không tưởng tượng được của ”tương đối chủ nghĩa” càng thể hiện rõ rệt hơn trên bình diện luân lý, nhứt là bởi vì làm lay chuyển cả chính những nguyên tắc rường cột, nền tảng trên đó cuộc chung sống xã hội được xây dựng: phẩm giá con người, sự bênh vực và bảo vệ mạng sống, gia đình. 

Áp dụng chủ nghĩa vừa kể vào cuộc sống xã hội, người ta có thể đi đến hậu quả, 

- ”để tránh tình trạng phái giống nầy thượng đẳng hơn phái giống kia, người ta có thể đi đến việc chối bỏ sự khác biệt giữa phái giống, được coi như là hậu quả còn sót lại của các hoàn cảnh và nền văn hoá, xã hội bán khai trong quá khứ. Trong tiến trình sang bằng khác biệt đó, sự khác biệt thể lý về phái giống được giảm thiểu, trong khi trên bình diện văn hoá được gọi là ”chủng tộc” (gender) được nhấn mạnh tối đa và được xem là yếu tố khác biệt ưu tiên”. 

Qua những gì vừa kể, “tương đối chủ nghĩa” có thể đưa đến những hậu quả tàn phá bình địa, 

- ”vấn đề gia đình được đặt thành câu hỏi, bởi bản tính tự nhiên của gia đình là gia đình tự nhiên với song thân (bi – parentale), nghĩa là gia đình gồm có cha và mẹ. Gia đình với bản tính tự nhiên đó được đặt thành câu hỏi, cũng như vấn đề ”đồng tính” hay ”khác tính” luyến ái (omosessualità o eterosessualità). 

Như vậy, với tư tưởng của ”tương đối chủ nghĩa”, ai muốn thích gì thì thích, mọi ý kiến và sở thích đều có giá trị như nhau, ”con người đang tìm cách giải thoát mình khỏi các điều kiện thể lý tự nhiên trong đó mỗi người được sinh ra”… Ai cũng có thể và phải có thể sửa đổi thân thể của mình tùy theo ý mình thích” (Congregazione per la Dottrina della Fede, Lettera ai Vescovi della Chiesa Cattolica sulla collaborazione dell’uomo e della donna nella Chiesa e nel mondo ( 31.03.2004), nn. 2s, in Il Regno – documenti 49 ( 15/2005) 471s). 

Con người của kỹ thuật và khoa học đang say sưa với những thành quả đạt được. 

Con người hiện đại đã biết được ngay cả những bí ẩn của đời sống, đến nỗi có 

- thể tạo ra đời sống bằng phòng thí nghiệm, 
- thụ thai nhân tạo, thụ thai trong các ống nghiệm bằng kiến thức, 
- thụ thai và biến phái, biến hình dạng (cao hơn hay thấp hơn, tóc vàng hay tóc đen, mắt xanh hay mắt đen, mắt nâu…) 

Vậy thì còn lý do gì để con người còn tin 

- ”được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh mình và giống Thiên Chúa” ( cfr. Gen 1, 27), 

trong khi qua phương thức ”cấy” hoặc ”dưỡng sinh” (clonazione) tế bào, con người có thể chế tạo một con người giống hệt khuôn đúc một người khác? 

Và như vậy, ai có thể thiết định trước (a priori) điều gì xấu và điều gì tốt? 

Tốt hay xấu chỉ có thể phán đoán do hậu quả của hành động tự do của con người, nếu chưa đưa đến hậu quả tốt đẹp hay tai hại (chưa có hậu quả, dù có dụng ý mà theo luân lý chúng ta cho là có chủ tâm ác ý, dụng ý xấu, bất chính), cũng chưa phải là hành động đáng lên án, theo quan niệm của trường phái ”tương đối chủ nghĩa”). 

Một hành động có chủ ý bất chính, nếu không gây thiệt hại và cũng có thể mang lại lợi ích, vẫn có thể được coi là hành động tốt, đáng tưởng thưởng. 

Hiểu như vậy, mọi thái độ, theo nguyên tắc, đều được coi là có giá trị như nhau, đều chính đáng như nhau: 

- dĩ nhiên, tổ chức Quốc Gia không thể bắt buộc ai phá thai (trừ ra Trung Cộng, với luật gia đình không được có trên hai con), nhưng tại sao Quốc Gia lại có thể từ chối cấm người phụ nữ phá thai? 
- Quốc Gia không thể bắt buộc ai phải sống đời sống đôi lứa “đồng tính luyến ái” (omosessuale), nhưng tại sao Quốc Gia lại phải cấm cản họ, khi hai người đó muốn sống như vậy? 
- Chắc chắn Quốc Gia không có thể bắt buộc ai phải tự sát, nhưng tại sao quốc Gia lại không cho bệnh nhân tự ý chấm dứt cuộc sống của mình, nhứt là đối với các bệnh nhân trong giai đoạn chót (phase terminale) không còn hy vọng của cơn bệnh (bệnh ung thư vào thời kỳ chót chẳng hạn)? 

Như vậy ”tương đối chủ nghĩa” là chủ thuyết tối quan trọng trong thời đại chúng ta, quan trọng hơn cả thể chế dân chủ. 

Trong tiến trình ”toàn cầu hoá ” (globalisation) đang được xúc tiến, hội nhập mọi dân tộc và mọi nền văn hoá hiệp nhứt trong tôn trọng những khác biệt, chúng ta không thể nào có thể đưa tiến trình đến thành công, nếu chúng ta không lấp đầy được ”khoản trống thiếu sót” (déficit) luân lý của các nền dân chủ. 

Benedetto Croce, triết gia và đại lý thuyết gia chính trị người Ý, đã nói lên mối lo âu đó của ông từ trên một thế kỷ qua. Suy tư của ông đã đưa đến kết luận rằng nền dân chủ, nếu muốn tránh được sự thoái hoá lụn bại và tàn tạ, cần phải được đặt nền tảng trên một nền luân lý chung và nền luân lý đó cũng chỉ có thể đứng vững, nếu được đặt trên nền tảng ý nghĩa tôn giáo (cfr. B. Croce, op. cit., cap.8, 139s). 

Kế đến một lý thuyết gia chính trị quan trọng người Ý khác, ông Norberto Bobbio, đã nhận thức rằng một trong những lời hứa cao cả nhứt của thể chế dân chủ là chính mình sẽ tự lập và tự nhiên cung dưỡng nuôi nấng tinh thần dân chủ. 

Nhưng lời hứa đó đã không được thực hiện: bởi lẽ thể chế dân chủ đã tỏ ra mình không có khả năng tự nhiên và đủ tiềm lực để nuôi dưỡng (Norbeto Bobbio. Il futuro della democrazia, Einaudi, Torino 1984). 

Về phía tư tưởng gia Jurgens Habermas cũng vậy, ông không có gì ngần ngại để xác nhận rằng chỉ có tôn giáo mới có khả năng văn minh hóa thế giới hiện đại của chúng ta: 

- ”chỉ có tôn giáo, được diễn tả bằng ngôn ngữ chính trị trần thế, mới có thể giúp được xã hội Âu Châu gìn giữ được chính kho tàng luân lý của mình” (Jurgens Habermas, cit by P. Scoppola, La religione di noi moderni, in La Repubblica (17.06.2005). 

Dân chủ là một dụng cụ, một phương thế, tự mình không có gốc rễ để có thể tự lập nuôi dưỡng lấy mình được. 

Như vậy, vấn đề cấp thiết để thoát ra cơn khủng hoảng hiện tại là giúp cho thể chế dân chủ tìm lại được nền tảng luân lý của mình. Và rồi nền tảng luân lý tự mình cũng sẽ không thể không chao đảo, đứng vững được, nếu luân lý không được xây dựng trên nền tảng ý nghĩa tôn giáo: hiện nay ai để tâm suy nghĩ, đều thấy cấp thiết cần nhận biết giá trị xã hội của tôn giáo. 

- người theo ý thức hệ cộng sản cảm thấy bơ vơ, sau khi bức tường Bá Linh bị sụp đổ, 
- bao nhiêu đồ án nhân đạo để trợ giúp dân chúng nghèo khổ ở Phi Châu cảm thấy bị lạc lỏng, trước những cuộc đấu tranh bộ lạc, tàn sát diệt chủng, không biết phải can thiệp như thế nào, 
- cuộc sụp đổ của thể chế Cộng Sản làm cho tan rã ý nghĩa Cộng Sản Đại Đồng Vĩ Đại, khiến cho nhiều thành viên của Nam Tư có khuynh hướng tách rời, đưa đến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn diệt chủng ”anh em vĩ đại” Bosnia, Albania và Serbia của Milossovich và khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải can thiệp bằng vũ lực và bắt sống tên bạo chúa mới chấm dứt được. 
- và còn bao nhiêu trận chiến khác được mang danh là ”bảo vệ hoà bình“, ”chiến tranh tiền liệu” (guerra preventiva) để đề phòng trước những hậu quả. 

Đứng trước vấn đề cần có luân lý làm nền tảng cho đồ án và chương trình thực hiện chính trị, và luân lý phải được hướng dẫn bằng những ý nghĩa tôn giáo làm định hướng, nếu nền chính trị dân chủ muốn được nuôi dưỡng, đứng vững và phát triển. 

Nói cách khác, cần nhận biết giá trị xã hội của tôn giáo. 

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào một Quốc Gia tổ chức và hoạt động trong lãnh vực trần thế của mình, 

- không biến chuyển thành Quốc Gia ”thuần luân lý ” hay Quốc Gia ”giáo phẩm trị ” (clericalismus) như một đôi khi đã xảy ra trong quá khứ, 
- cũng không ”án binh bất động ” đóng kín trong hình thức Quốc Gia ”thuần thế tục” (laicismo), 

có thể bảo đảm không những tự do tôn giáo, mà cũng để cho tôn giáo có cơ hội và khả năng góp phần vào việc thiết lập và củng cố cấu trúc xã hội của mình. 

Dĩ nhiên vấn đề không những tùy thuộc vào thái độ của Quốc Gia, được cấu trúc theo lãnh vực trần thế của mình, mà còn cả sự trưởng thành của lương tâm tôn giáo đang đứng trước nền dân chủ trần thế của Quốc Gia. 

Câu trả lời cho vấn đề thật quan trọng. Đó là làm sao tìm được một điểm thăng bằng 

- giữa các đòi hỏi tư lập chính đáng của các lãnh vực trần thế trong tổ chức Quốc Gia 
- và sự nhận biết thực sự ảnh hưởng xã hội của tôn giáo: 

* ”Chỉ có những Quốc Gia thế tục chính đáng, trong đó đặc tính thế tục không phải là một loại tôn giáo thay thế của Quốc Gia, mà là một không gian tự do trong đó được bảo đảm cho mọi tôn giáo đều có tiếng nói, đều có thể giúp cho cuộc chung sống và đồng thời góp phần cộng tác của các tôn giáo tăng thêm sung mãn cấu trúc luân lý của xã hội. Chúng ta cảm nhận được có sự đươn kết ngoạn mục: đặc tính thế tục của Quốc Gia bảo đảm cho tiếng nói và chung sống của các tôn giáo, nhưng tiếng nói tự do của kinh nghiệm tôn giáo bảo đảm cho sự góp phần luân lý vào nền dân chủ và cho chính đặc tính thế tục” (P. Scoppola, op. cit. , ibid,). 

B) Những nghịch lý của tương đối chủ nghĩa. 

( a ) ”Tương đối của nghĩa” được phát sinh từ cuộc phá sản của ảo tưởng ”thiên cảm chủ nghĩa” (illuminisme) và từ cơn khủng hoảng của nền văn hóa thuần thế tục (laicisme). 

Tương đôi chủ nghĩa bị lảo đảo bởi chính những điều nghịch lý nội tại, quan niệm về ”tự do” (liberté) và ”hợp pháp” (légalité), nền tảng trên đó Quốc Gia Dân Chủ Pháp Trị (État de droit) đuợc xây dựng. 

Quan niệm cá nhân cực đoan về tự do, đang hiện hành và cũng có thể là ”tư tưởng duy nhứt “, chính là nhân cội của ”tương đối chủ nghĩa”. Theo đó thì theo truyền thống của “thiên cảm chủ nghĩa“, 

- “tự do có nghĩa là khả năng có thể lựa chọn và làm điều gì mình muốn”. 

Giới hạn duy nhứt của tự do, kính trọng tự do của người khác là nguyên tắc duy nhứt về uy quyền và chân lý phải tuân phục, đó là 

- “ý muốn của đa số”

Hiểu như vậy, tự do được hiểu đồng nghĩa với nhân nhượng, khoan dung cho phép (tollérance). 

Như vậy 

- mọi ý kiến chính trị khác biệt, 
- mọi nền văn hoá, luân lý, 
- tôn giáo khác biệt 

đều được coi là chính đáng, tự do và có giá trị biểu thị và hành xử như nhau. 

Quốc Gia không thể chọn một chính kiến nào đó và bắt dân chúng phải theo; mỗi công dân phải được để hoàn toàn tự do theo ý kiến nào mình thích. Và chỉ có như vậy, chỉ có tuân hành theo chỉ thị vừa kể của ”tương đối chủ nghĩa” về văn hoá và luân lý, mới có thể tránh được thái độ bất nhân nhượng (intollérance) và hống hách độc đoán (autoritarisme). 

Nói tóm lại, ngoại trừ quyền của người khác và ý muốn của tập thể đa số, không có một chân lý nào được cho là chân lý tuyệt đối và lề luật siêu đẳng luân lý khác, có thể cấm cản được sự tự do quyết định của cá nhân. 

Một quan niệm như vậy về tự do, tự bản thể của mình đã mang lấy một mối suy tư mâu thuẫn. 

Bởi lẽ chính ”tương đối chủ nghĩa” tự diễn tả mình như là một tín điều, mà bất cứ ai cũng phải công nhận và không được bàn cải, và kế đó là mở ra con đường cho những hình thức ”độc tại tập thể đa số” (dictature de la majorité). 

Từ đó làm cho tự do rơi vào cảnh ”cá chậu, chim lồng“, bị nhốt vào chuồng, bị đóng vào khuôn khổ do thành phần đa số áp đặt. 

Giới hạn của “tương đối chủ nghĩa ” chính là tự cho mình là 

- ”một tín điều, tưởng rằng mình đã được chiếm hữu được hoàn toàn sự hiểu biết về lý trí và mình có quyền xem tất cả những gì còn lại chỉ là một giai đoạn của nhân loại đã bị vượt qua và có thể trở thành tương đối hoá một cách thoả đáng” (Joseph Ratzinger, L’Europa nella crisi delle culture, conferenza tenuta a Subiaco il 01.04.2003). 

Chúng ta không thể chối cãi rằng ”tương đối chủ nghĩa ” đã giúp nhân loại đạt được những tiến bộ quan trọng: 

- quan niệm dân chủ, 
- tự do lương tâm, 
- quyền bình đẳng giữa các công dân với nhau. 

Tuy vậy, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh, tự do vô giới hạn và không có một lề luật luân lý nào định chế sẽ đưa đến chính sự tiêu diệt tự do. 

Lý do là vì các giá trị 

- không tùy thuộc vào ý muốn tự do của con người, 
- cũng không tùy thuộc vào thành phần đa số bền lâu hay tạm thời và có thể thay đổi. 

Các giá trị không do Quốc Gia tạo ra, cũng không do Quốc Gia định đoạt. 

Các giá trị có trước các định chế tự do tổ chức xã hội. 

Các giá trị được viết vào lương tâm của mỗi con người, và như vậy, các giá trị là định chuẩn quy chiếu pháp lý của luật lệ dân sự. 

Bổn phận của Quốc Gia là bảo vệ và phối hợp các giá trị đó để thực thi công ích, đặt các giá trị làm nền tảng của định chế dân chủ, như những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đã thực hiện: 

. liệt kê ở phần I: các giá trị, tức là nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người (Điều 2-54 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) và (Điều 1-19 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức), 

- trước khi đề cập đến ở phần II: về thể thức tổ chức cơ chế (lập pháp, hành pháp và tư pháp: Điều 55-139, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc: Điều 20-146 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức), nhưng là tổ chức co chể để bảo vệ và phát huy các giá trị được liệt kê ở phần I 

Cách sắp đặt các giá trị vừa kể cho chúng ta thấy mỗi khi có cuộc tranh cãi về một trong những giá trị được liệt kê ở phần I, ngay cả với sự đồng thuận của đa số, là tranh cãi, xúc phạm đến nền tảng của thể chế dân chủ. 

Và như vậy, nếu nền tảng của thể chế dân chủ sụp đổ, thiếu đi nền tảng luân lý, thể chế dân chủ chỉ còn thu gọn lại là một hệ thống luật lệ thuyết lý, chỉ là một loại kỹ thuật thuần túy để điều hoà các lợi thú khác nhau của người dân. 

Bởi đó chính ĐTC Gioan Phaolồ II không ngần ngại lên án ”đồng minh giữa dân chủ và tương đối luân lý là mối liên hệ tai hại và nguy hiểm“: 

- ”Nếu không có một chân lý nào cuối cùng để hướng dẫn và định hướng tác động chính trị, lúc đó tư tưởng và các xác tín có thể trở thành dụng cụ dễ dàng cho mục đích quyền hành. Một nền dân chủ không có các giá trị, có thể biến đổi dễ dàng thành chế độ toàn trị công khai hay ẩn nấp, như lịch sử chứng minh” (ĐTC Gioan Phaolồ II, Veritatis splendor (06.08.1983), n. 101. in EV XIII / 2784). 

Thật ra trong lịch sử không thiếu gì tội ác đã xảy ra nhân danh “chân lý“ 

Giáo Hội không có gì phải ngần ngại nhận biết những lần thiếu trách nhiệm của mình ở những gì đã xảy ra, nhưng cũng không có gì kém hiển nhiên, bao nhiêu tội ác và chối bỏ tự do của con người vẫn đang diển ra trước mắt chúng ta, nhứt là ở những Quốc Gia độc tài, nhân danh nền luân lý tương đối: 

- ”Khi tập thể đa số trong Quốc Hội hay xã hội ” chuẩn y ”hủy bỏ, mặc dầu với một vài điều kiện nào đó, đời sống con người chưa được sinh ra, không phải là Quốc Hội hay xã hội đã có quyết định độc tài bạo chúa đối với một con người yếu ớt và không có khả năng tự vệ sao? Lương tâm công cộng phản ứng một cách chính đáng đối với các tội ác chống lại nhân loại, mà thế kỷ chúng ta đã bao nhiêu lần có kinh nghiệm. Nhưng các tội ác đó chắc sẽ được chấm dứt, nếu thay vì do các tên bạo chúa không ngần ngại chủ trương, mà được chính danh hoá do đa số dân chúng đồng thuận sao?” (ĐTC Gioan Phaolồ II, Evangelium vitae (25.03.1995), n. 70 , in EV XIX/2410. 

Như vậy, một đàng chúng ta phải biết nhìn nhận các “công lao” của ”thiên cảm chủ nghĩa” (illuminisme) , nhứt là đã làm cho phát sinh ra ý thức dân chủ, nhưng đàng khác chúng ta cũng cần phải xác nhận rằng mục đích của dân chủ là con người với nhân phẩm của mình, với các quyền tự do cá nhân và xã hội. 

Thể chế (ý thức hệ) và cơ chế (cách tổ chức các cơ quan) dân chủ chỉ là dụng cụ và vì đó, dân chủ phải được suy nghĩ và tổ chức bằng nền luân lý, phát xuất từ mục đích của mình là con người với nhân phẩm và các quyền của mình, mà dân chủ phải phục vụ. 

Bởi đó dân chủ sẽ đạt được cùng đích của mình (bảo đảm bình đẳng cho nhân phẩm và tự do của tất cả mọi người như nhau), mức thành đạt đó đạt đến mức độ nào, điều đó tùy thuộc ở dân chủ hấp thụ được vào mình phát huy được các giá trị đích thực của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội. 

Nếu không, dân chủ một khi thiếu đi ”linh hồn luân lý ” của mình vừa kể, một cách nghịch thường dân chủ có thể biến thành dụng cụ của áp bức, toàn trị dưới hình thức ẩn nấp, mỵ dân nào đó. 

( b) Một căn nguyên nghịch lý thứ hai của ”tương đối chủ nghĩa” (relativisme) đó là quan niệm”tính cách hợp pháp” (légalité) và mối tương quan giữa cá nhân và tổ chức xã hội. 

Trên nguyên tắc, chúng ta đều đồng ý rằng ”tính cách hợp pháp” là nền tảng của thể chế Quốc Gia Pháp Định (État de droit): 

- ”Nếu không có luật lệ rõ ràng và chính đáng của cuộc sống cộng đồng, hay nếu luật lệ đó không được áp dụng, vũ lực có khynh hướng lấn áp trên công lý, ý kiến cá nhân trên quyền lợi, với hậu quả là tự do bị đặt vào tình trạng nguy hiểm có thể bị hủy diệt. Tính cách hợp pháp (legalité) hay việc tôn trọng và thực hành luật pháp, như vậy trở thành điều kiện nền tảng để tự to, công lý và hoà bình được hiện hữu giữa mọi người” (Commissìone Ecclesiale Giustizia e pace, Educare alla legalità ( 104.10.1991), n.2, in ECEI V/524). 

Nhưng giới hạn của luân lý tương đối chính vì chủ thuyết đó cho rằng ”tính cách hợp pháp“ chính yếu chỉ cần phải tuân giữ thuyết lý các đạo luật theo ý nghĩa cá nhân – tự do (trên thực tế, cá nhân có thể luồn lách, đút lót, hối lộ, trốn trách nhiệm, nếu không có ai kiểm soát dại gì phải nhọc công tốn sức chu toàn trách nhiệm đáng lý phải có của mình). 

Bởi lẽ chủ thuyết tương đối không đặt nặng vấn đề ”tính cách hợp pháp” cũng là một đặc tính thiết yếu xã hội. 

Dĩ nhiên tuân giữ luật pháp khởi đầu từ chính chúng ta, từ đời sống cá nhân chúng ta, nhưng hậu quả của nó cũng ảnh hưởng xấu hay tốt đến cuộc sống xã hội. Bởi lẽ xã hội là một cộng đồng các con người liên hệ với nhau, không phải là một đoàn cừu gồm những con cừu vô danh tánh con nầy đứng gần con kia, mỗi con chỉ suy tư lợi lộc cho chính mình: không có tự do cá nhân nào mà không liên hệ đến trách nhiệm xã hội. 

Điều vừa kể cho thấy tại sao Giáo Hội nói lên 

- ”Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, nói đến giá trị xã hội, hơn là đề cập đến các giá trị cá nhân- tự do phóng túng, nghĩa là đề cập đến các giá trị giúp cho các mối tương giao, chớ không phải đến các giá trị cho phép con người có được tự do rộng lớn hơn hết sức có thể, và vô trách nhiệm” (Card. Carlo Maria Martini, Paure e speranze di una città, Discorso al Comue di Milano (28.01.2002), n.6). 

Nói tóm lại, ”tương đối chủ nghĩa” không có một quan niệm đầy đủ về con người. 

C – Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội trả lời cho tương đối chủ nghĩa. 

Giáo Hội không chối cãi những cộng tác tích cực cho tư tưởng hiện đại mà ”tương đối chủ nghĩa” đã mang lại cho xã hội chúng ta, nhứt là đã có công tập trung sự chú ý vào con người, với kết quả là phát triển được nhiều lãnh vực của hiểu biết: nhân chủng học, luận lý học, các khoa học thiên nhiên, lịch sử, ngôn ngữ… 

Tuy nhiên trong Thông Điệp Fides et ratio, Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II cảnh tỉnh rằng: 

- ”lý trí, dưới sức nặng của các sự hiểu biết, càng ngày càng còng lưng gục xuống trên chính mình, không còn có khả năng ngước nhìn lên cao để đạt đến, biết được chân lý của sự hiện hữu con người” (ĐTC Gioan Phaolồ II, Fides et ratio ( 14.09.1998), n. 5,in EV XVII / 1185). 

Từ đó con người hiện đại trở thành mồi ngon cho khuynh hướng hoài nghi: chấp nhận đa nguyên đa dạng ( pluralisme) là điều chính đáng, nhưng sẽ có thể dễ đưa đến quan niệm sai lạc là mọi khuynh hướng, ý kiến đều được chấp nhận, đều có giá trị ngang nhau, bởi vì mọi khuynh hướng, ý kiến, kể cả những gì là chân lý tuyệt đối, cuối cùng cũng bị biến thành ý kiến, bởi đó 

- ”con người hiện nay chỉ cần sự thật từng phần rời rạc (partielle) nào đó và tạm thời, không còn cố gắng để đặt thêm câu hỏi quyết định hơn về ý nghĩa và nền tảng cuối cùng của cuộc sống con người, cuộc sống cá nhân cũng như xã hội” ( ĐTC Gioan Phaolồ II, ibid.). 

Và rồi sự hài lòng về sự thật từng phần rời rạc và tạm thời đó đưa đến cơn khủng hoảng trầm trọng về ý nghĩa: 

- “Các nhãn quang, thường là những nhãn quang có tính cách khoa học, về đời sống và về thực thể của thế giới chúng ta, được sinh xôi nẩy nở đến nỗi chúng ta đang chứng kiến hiện tượng phân chia từng mảnh sự hiểu biết. Và chính đó làm cho trở nên khó khăn và vô hiệu các nổ lực tìm kiếm ra một ý nghĩa (…). Đúng hơn, không phải ít người tự hỏi hiện nay còn có ý nghĩa để nêu lên câu hỏi về ý nghĩa nữa hay không” (ĐTC Gioan Phaolồ II, n. 81, in EV XIV / 1345). 

Con người đang mất định hướng. 

Tuy vậy, cũng không thiếu có những điểm tương đồng và đồng quy giữa Ki Tô giáo và quan niệm của xã hội tân tiến hiện đại, khởi đầu từ quan niệm về các giá trị nền tảng của tự do, bình đẳng và phổ quát các quyền của con người. 

Ki Tô giáo luôn luôn bênh vực tự do, và đã từ chối không chấp nhận để mình bị hấp thụ vào định chế quốc gia ngơại giáo, ngay cả khi phải hy sinh tử đạo. 

Trung thành với sứ điệp cứu rỗi phổ quát cho mọi dân tộc, Giáo Hội luôn luôn loan truyền sứ điệp cứu rỗi không phân biệt đối bất cứ ai, bất cứ dân tộc, ngôn ngữ, chủng tộc, quốc gia. 

Bởi lẽ đối với Giáo Hội, tất cả là anh em với nhau, đồng đẳng như nhau trên nhân phẩm và các quyền căn bản. 

Bởi đó chúng ta cũng có thể nói rằng ”thiên cảm chủ nghĩa” phát xuất từ nguồn gốc Ki Tô giáo, được lớn lên và bành trướng trong các Quốc Gia theo nền văn hoá Ki Tô giáo và nơi đâu Ki Tô giáo được lan rộng. 

Công trạng đáng được đề cao nhứt là chủ thuyết vừa kể làm nổi bậc tính cách quan trọng của lý trí trong Ki Tô giáo, giúp cho Ki Tô giáo khỏi bị thu nhập và đồng hoá biến thành ”tôn giáo Quốc Gia” (religion d’ État) (Joseph Ratzinger, L’Europa nella crisi delle culture, op. cit., id.). 

Như vậy, cần tiếp tục khám phá ra mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, giữa luân lý và lý trí , mà quá khứ đã không định giá đúng mức, bằng cách đặt tôn giáo ra bên ngoài (hay đúng hơn là bên dưới) các kiến thức khoa hoc, chỉ có khoa học được coi là những hiểu biết duy nhứt và chắc chắn đáng được cho là có giá trị. 

Thái độ hiểu biết phiến diện đó, nhiều năm qua, đã được ĐTC Phaolồ VI lưu ý: 

- “Sự rạn nứt giữa Phúc Âm và văn hoá, không thể nghi ngờ, là một thảm trạng cho thế hệ chúng ta” ( ĐTC Phaolồ VI, Evangelii nuntiandi ( 08.12.1975). 

Thảm trạng đó được ĐTC Gioan Phaolồ II tìm hiểu sâu xa hơn, qua những hậu quả đổ vở gây nên: 

- ”Trong quá khứ cuộc rạn nứt được thể hiện ra nhứt là trong sự đối chọi giữa đức tin và các luồn tư tưởng lớn hiện đại, qua các chủ trương tự lập của lý trí đối với mọi quyền bính siêu nhiên nào. Hôm nay, trái lại, mối rạn nứt đó đã trở thành to lớn quá tầm mức và lòng kiêu hãnh của ngày hôm qua đã trở thành mối lo âu hôm nay. Trước kia lý trí nghi ngờ về Thiên Chúa, giờ đây đã đến mức nghi ngờ về chính mình… 
Đừng ảo tưởng cho rằng đức tin, đứng trước một lý trí suy luận non yếu, sẽ trở thành đức tin vững chắc hơn; trái lại, trước hoàn cảnh đó, đức tin có thể rơi vào một cơn nguy hiểm trầm trọng, được thu gọn thành thần tượng hay mê tín. Cũng vậy, một lý trí mà không đứng trước một đức tin trưỏng thành, lý trí đó sẽ không được kích thích phóng tầm nhìn của mình đến những gì mới mẻ và thiết yếu của cuộc sống” (ĐTC Gioan Phaolồ II, Fides et ratio ( 14.09.1998), n. 48, in EV XVII / 1274). 

Và đó là lý do tại sao Giáo Hội xác tín sâu xa rằng: 

- ”Đức tin và lý trí trợ lực nhau, trong khi cả hai đều tác động phận vụ phê phán và thanh tẩy, cũng như khuyến khích nhau tiến lên khảo cứu, khám phá và tìm hiểu sâu xa hơn” (ĐTC Gioan Phaolồ II, id., n. 100, in EV XVII / 1388). 

Tổng lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội 
(Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa) 

n. 74. Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội có nền tảng chính yếu của mình từ nguồn Mạc Khải Thánh Kinh và trong Truyền Thống của Giáo Hội. 
Nơi nguồn mạch vừa kể, đến từ trên cao, Giáo Hội múc lấy cảm hứng và ánh sáng để hiểu biết, phán đoán và định hướng cho kinh nghiệm và lịch sử con người. Trước hết và trên hết là đồ án của Thiên Chúa trên tạo vật và, nhứt là trên đời sống và cùng đích của con người, được kêu gọi thông hiệp với Chúa Ba Ngôi. 
Đức tin đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành, tác động tương quan với lý trí. 
Sự hiểu biết đức tin, nhứt là đức tin được định hướng để thực hành, được cấu trúc bằng lý trí và nhờ vào các phương thức mà lý trí cung cấp cho. Ngay cả Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, như là kiến thức được áp dụng vào các trường hợp thiết thực và vào lịch sử thực tế, phải biết phối hợp đức tin và lý trí và là dấu chứng hùng hồn cho mối tương giao giữa hai thực tại đó. 

n. 75. Đức tin và lý trí là hai con đường để hiểu biết Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, bởi vì từ cả hai là hai nguồn mạch mà Huấn Dụ múc lấy sự hiểu biết: Mạc Khải và Bản Tính con người. 
Sự hiểu biết về đức tin làm cho con người hiểu biết và hướng dẫn đời sống của mình trong ánh sáng của mầu nhiệm lịch sử cứu rỗi, mầu nhiệm mà Thiên Chúa mạc khải và ban tặng chính Người nơi Chúa Ki Tô cho nhân loại chúng ta. 
Sự hiểu biết đức tin đó gồm có cả lý trí, nhờ đó đến đâu có thể, lý trí giải thích và hiểu biết được chân lý được mạc khải và đồng thời bổ sung bằng chân lý của bản tính nhân loại, theo đồ án của Thiên Chúa được phát hiện rõ ra trong công trình sáng tạo. 
Nói cách khác đó là chân lý toàn vẹn của nhân vị con người, vừa là thực thể siêu nhiên vừa là thực thể xác thịt, liên hệ với Thiên Chúa, với các con người khác và với các tạo vật. 
Như vậy, trung tâm điểm của mầu nhiệm Chúa Ki Tô không làm giảm bớt đi hay loại trừ vai trò của lý trí và bởi đó Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội cũng không thiếu tính cách minh nhiên của lý lẽ và, cũng vì đó, không thiếu đi đặc tính phổ quát của Huấn Dụ. 
Bởi lẽ mầu nhiệm của Chúa Ki Tô soi sáng cho mầu nhiệm con người, lý trí giúp chúng ta hiểu biết được hoàn hảo phẩm giá con người và những đòi buộc luân lý phải có để bảo vệ nhân phẩm đó. 

Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là một hiểu biết được soi sáng bằng ánh sáng đức tin, nói lên một hiểu biết rộng rãi hơn. 

Huấn Dụ bảo đảm cho tất cả mọi người lý lẽ của chân lý mà mình xác nhận và các bổn phận phải có từ các lý lẽ của chân lý đó: chân lý đó có thể được đón nhận và đồng thuận chấp nhận. 

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập 




Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks