ngày tháng năm

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

TÌNH LIÊN ĐỚI

(THEO TINH THẦN GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO)

Tín Thành

Giáo huấn về xã hội của Hội Thánh Công Giáo xác định rằng tình liên đới làm nổi bật bản tính xã hội nội tại nơi con người. Như thế, con người được sinh ra để sống với, và luôn là như vậy trong suốt cuộc đời. Người ta không thể sống là người đúng nghĩa cả về thể chất lẫn tinh thần, nếu thiếu tương quan và liên đới với người khác. 

Vậy người ta phải liên đới với nhau như thế nào và trong những vấn đề gì? Chúng ta hãy xét đến ba khía cạnh chính cụ thể đòi hỏi phải liên đới với nhau. 

LIÊN ĐỚI TRONG HOÀN CẢNH CỦA NHAU 

Trong cuộc sống, chẳng ai nên tự mãn cho mình luôn đầy đủ mọi sự, và không cần sự hỗ trợ bổ túc từ người khác. Trái lại, người ta luôn phải sống cần nhau và cho nhau. Và quả thật, cuộc sống luôn đặt con người vào những hoàn cảnh phải cần đến nhau và phải có trách nhiệm với nhau. Dù ở bất cứ mối tương quan nào, riêng tư hay cộng đồng, gia đình hay như xã hội, đều luôn phải diễn ra theo qui luật tương tác nhận và cho. Nếu không diễn ra theo qui luật này, mọi mối tương quan sẽ không bền, gia đình đổ vỡ, xã hội hỗn loạn.

Dù là ai, đang sống ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng luôn phải đối diện với vô vàn những hoàn cảnh cần phải thể hiện tình liên đới: người nghèo đói cần của ăn, áo mặc; người giàu sang cần sức khỏe, tình cảm; người bệnh hoạn cần sự an ủi, chữa lành… Đó là những hoàn cảnh đòi buộc liên đới rõ nét nhất. Đây là mức tối thiểu trong tình liên đới – chúng ta sẽ xét đến mức liên đới sâu rộng hơn ở phần sau. Ngoài ra, cuộc sống còn nhiều những hoàn cảnh luôn mặc định mối tương quan liên đới và cần thiết lẫn nhau: cha mẹ và con cái, thầy và trò, chủ doanh nghiệp và người lao động…vv... 

Mở ngoặc một nét đẹp trong quan niệm của người Nhật về đời sống cộng đồng. Mỗi người trẻ đến tuổi 20, họ được cử hành một lễ gọi là “Thành nhân”. Ngoài những ý nghĩa đặc thù không bàn đến ở đây, có một ý nghĩa rất nhân văn, thể hiện tình liên đới về hoàn cảnh của nhau trong đời sống cộng đồng. Đó là ngày lễ này nhắc nhớ người trẻ rằng, từ nay bạn không chỉ thuộc về gia đình riêng bạn nữa, mà còn thuộc về cộng đồng xã hội, bạn phải làm việc cống hiến để thăng tiến toàn xã hội, nhờ đó hoàn cảnh sống của mọi người đều tốt lên cách bền vững. 

LIÊN ĐỚI TRONG TRÁCH NHIỆM VỚI NHAU 

Ở đời người ta thường sợ trách nhiệm. Giả như được giữ vai trò vị trí nào đó, thì chỉ thích hưởng bổng lộc kèm theo, chứ không muốn nhận trách nhiệm. Trách nhiệm theo vai trò và vị trí là trách nhiệm trực tiếp liên quan, mà còn đang muốn tránh, huống chi là trách nhiệm gián tiếp. Nhiều khi không hoàn thành nhiệm vụ, vai trò của mình, người ta còn đổ lỗi cho người khác, theo kiểu “Mất mùa đổ tại thiên tai, được mùa thì bởi thiên tài đảng ta”. Người quản lý xã hội yếu kém, khiến xã hội chậm tiến, hỗn loạn và cái ác cái xấu hoành hành, thì đổ tại ý thức người dân. Tình liên đới đòi buộc chúng ta phải liên đới trách nhiệm với nhau ngay cả trong những vai trò, bổn phận mình không trực tiếp làm. Đó là trách nhiệm liên đới gián tiếp. 

Với tâm lý chung “ai làm người đó chịu”, thấy người khác phạm sai lầm gây ra hậu quả xấu, mình nghĩ bụng: họ làm, họ tự lãnh hậu quả, không can hệ gì đến ta. Và khi đó ta cứ bình thản, không nghĩ ngợi, áy náy gì. Thế nhưng theo tinh thần Giáo huấn của Giáo hội, bất cứ một sự sai lầm nào trong hành động và lời nói của người xung quanh gây ra những tác hại xấu cho cá nhân hay cộng đồng, thì chúng ta ít nhiều đều chịu ảnh hưởng và có liên đới trách nhiệm về những hậu quả xấu đó. Cho nên ta không được phép làm ngơ trước những việc làm sai trái, bất công của người xung quanh. Mà phải tích cực lên tiếng, góp ý giúp họ sửa chữa. Nếu để mặc họ hành động sai trái gây hậu quả xấu, chính ta cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong đó. 

Bao năm qua, rất nhiều vấn đề gây bức xúc tại Việt Nam ta trong các lãnh vực: quản lý xã hội, giáo dục, y tế, giao thông, kinh tế…, làm cho xã hội Việt Nam thụt lùi so với nhiều nước trong khu vực về nhiều mặt. Ai cũng nhận thấy nhiều điều bất cập trong chính sách hiện hành và sự hạn chế tài đức của những người đang điều hành và quản lý xã hội cũng như đất nước, nhưng mới chỉ có rất ít người (có lẽ chưa đến 0,1%) tích cực lên tiếng góp ý. Thế thì đất nước chúng ta khó đổi thay, chưa phát triển là điều đương nhiên. Trách nhiệm đó phải quy cho mọi người dân Việt Nam, chứ không chỉ quy cho những người cầm quyền. 

LIÊN ĐỚI TRONG THÂN PHẬN CỦA NHAU 

Đây có lẽ là mức cao nhất của tình liên đới, vì nó đòi buộc người ta phải mang lấy thân phận của nhau mà sống và nâng thân phận của nhau lên. Nếu thân phận người xung quanh ta cao sang, thì việc liên đới chắc không có vấn đề gì. Nhưng ngược lại nếu thân phận họ thấp hèn, đặc biệt là bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, thì chẳng dễ liên đới chút nào. Muốn liên đới với những người có hoàn cảnh, thân phận như vậy, đòi người ta phải bỏ mình, hạ mình xuống cho đồng hàng với những người anh em bé nhỏ đó. 

Ở đời, người ta thường “Phù thịnh chứ mấy ai phù suy”, hay “Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Nay bảo đến sống cùng với những người đang trong cơn suy tàn, nguy khốn để bênh vực nâng đỡ họ, hay bảo thấy người nghèo khó, cơ hàn đến nhận làm bà con họ hàng, thì đúng là ngược đời. Thế nhưng chính Chúa Giêsu đã dạy những điều tương tự thế “Khi nào anh đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại anh, và như thế anh được đáp lễ rồi. Trái lại, khi anh đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, anh mới thật có phúc: vì anh sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,12-14). 

Một mẫu gương tuyệt với nhất minh chứng cho việc sống tình liên đới trong thân phận của nhau là chính Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, cao sang tuyệt đối, nhưng đã hạ mình xuống ngang hàng với con người, sống thân phận con người yếu đuối. Không những thế, Ngài còn liên đới với với thân phận con người trong cả nỗi khốn khổ nhất, đó là tội lỗi và sự chết, mặc dù Ngài là Đấng không hề có tội và là chủ sự sống. Chúa Giêsu đã xếp hàng cùng với những tội nhân, như là một tội nhân để xin ông Gioan làm phép rửa. Chúa Giêsu đã nộp mình để chịu xử án như tên tội phạm và nhận án chết. Những việc làm như thế, ngoài ý nghĩa chính cứu độ không bàn đến ở đây, thì Chúa Giêsu đã liên đới với con người cho đến tận cùng trong thân phận khổ đau và chết chóc. Để từ đó Ngài thăng tiến và nâng con người lên. 

Liên đới không chỉ là một đức tính xã hội, mà hơn thế nữa, còn là một đức tính luân lý. Sống thiếu liên đới người ta không thành người đúng nghĩa. Sống thiếu liên đới, người ta không thể là học trò của Thầy Giêsu. Mong rằng tình liên đới không bao giờ vắng bóng, để được như mong ước của cụ Tú Xương “…Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước, sao được cho ra cái giống người”. 




Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks