Gioan Lê Quang Vinh
Khi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đắc cử Giáo Hoàng, lấy tông hiệu Phanxicô thì nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì trong nhiều triều đại Giáo Hoàng trong Hội Thánh Công Giáo suốt hai ngàn năm chưa bao giờ có vị nào chọn tông hiệu ấy.
Chúng tôi cũng ngạc nhiên như bao nhiêu người khác trên thế giới này. Nhưng có một điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn. Trong một buổi gặp mặt thân tình, chúng tôi chợt khám phá ra điều đáng kinh ngạc này. Đó là việc Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dường như đã tiên đoán được tông hiệu các Đấng kế vị mình.
Trong bài diễn văn gửi những người tham dự Hội nghị về “Môi trường và Sức Khoẻ” ngày 24/3/2007, có đăng trên L’Osservatore Romano ngày 09/4/1997, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “… văn hoá Kitô giáo luôn nhìn nhận các thụ tạo chung quanh con người cũng là những ân huệ Chúa ban để con người nuôi dưỡng và bảo vệ như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá. Cách riêng, linh đạo Beneđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”.
Đọc đoạn văn trên, chắc hẳn nhiều người kinh ngạc khi trong triều đại của mình, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến linh đạo của hai vị thánh, hai dòng tu, mà kỳ lạ thay, hai Đấng kế vị ngài đã lấy tông hiệu là Beneđictô và Phanxicô.
Điều ngạc nhiên không kém là vị Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, trong công trình tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, khi trích dẫn bài diễn văn, đã trích ngay đoạn trên, trong đó có câu “linh đạo Beneđictô và Phanxicô đã cho thấy sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”. (số 464)
Phải chăng vị Chân Phúc và vị Tôi Tớ Chúa đã có cái nhìn tiên tri, hay ít ra là việc “nhìn xa trông rộng” (như lời Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino nói về Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)?
Nhưng người đọc sẽ tự hỏi: Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn nói lên điều gì khi nhắc đến linh đạo Beneđictô và Phanxicô trong bài diễn văn của mình. Đức Chân Phúc Giáo Hoàng viết:“chính mối quan hệ của con người với Thiên Chúa xác định mối quan hệ của con người với đồng loại và môi trường”. Như thế, khi con người chối bỏ Thiên Chúa, thì mối tương quan giữa họ và đồng loại, cũng như tương quan giữa họ với môi trường bị phá vỡ ngay tức khắc.
Trong bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: “Cách nhìn về con người và sự vật mà không tham chiếu chút nào tới sự siêu việt sẽ dẫn tới chỗ chối bỏ luôn khái niệm sáng tạo và dẫn tới việc gán cho con người và thiên nhiên một sự hiện hữu hoàn toàn độc lập. Như thế, mối liên kết thế giới với Thiên Chúa đã bị cắt đứt. Sự chia cắt này cũng gây ra tình trạng tách con người ra khỏi thế giới, và triệt để hơn, làm con người nghèo đi tự trong bản sắc của mình.” (số 464)
Cứ nhìn những quốc gia mà ở đó chính phủ chối bỏ Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy những thực trạng đau lòng. Việc khai thác tài nguyên vô tội vạ, việc phá huỷ môi trường sinh thái và việc sử dụng bừa bãi các chất gây ô nhiễm làm cho môi trường sống ngày càng bị tiêu diệt.
Huấn Quyền Hội Thánh cảnh báo: “Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề ấy có thể là tham vọng của con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện, không chú ý tới bất kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý, mà trái lại, những đòi hỏi này mới chính là yếu tố giúp phân biệt các hoạt động của con người”.
Chúng ta ngạc nhiên về tính tiên tri của một bài diễn văn của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của công trình Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nhưng sự ngạc nhiên này không chỉ là do tò mò hay thích khám phá. Đó phải là sự thôi thúc chúng ta thi hành huấn giáo của Hội Thánh: “Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người” (số 463)
Hội Thánh Chúa quan tâm bảo vệ môi trường vì thế giới này là công trình của Thiên Chúa Tạo Hoá, là Đấng mà Hội Thánh tôn thờ. Hội Thánh coi môi trường là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người, đồng thời là gia sản mà con người phải gìn giữ và xây đắp.
Trong khi đất nước đang gặp bao vấn đề nan giải về tài nguyên, về môi trường, về chủ quyền, thì lời Hội Thánh vọng đến, chỉ cho chúng ta một con đường. Con đường ấy chính là “ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên – hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, HTXHCG số 466).
Thật đau lòng khi thấy tài nguyên mà Thiên Chúa ban cho dân tộc chúng ta cứ bị bào mòn dần dần bởi những điều không đâu vào đâu. Nhưng sẽ chẳng có giải pháp nào hữu hiệu hơn là việc giúp con người thời đại nhìn thấy điều mà Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận thấy và chỉ cho chúng ta cách thực hành.
Và như thế, trách nhiệm của mỗi Kitô hữu không phải chỉ là phản ứng cùng với những người có lương tri trong xã hội, mà còn phải sâu sắc hơn: áp dụng linh đạo Beneđictô và Phanxicô vào trong đời sống của chính mình.
Linh đạo ấy có thể tóm lại bằng chính Huấn Quyền Hội Thánh, chúng tôi xin phép được nhắc lại: đó là “sự gần gũi thân mật của con người với môi trường thụ tạo chung quanh, và thúc đẩy trong con người thái độ tôn trọng mỗi một thực tại trong thế giới quanh mình”