ngày tháng năm

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

“Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” trong Giáo huấn Xã hội Công Giáo

ĐĂNG ĐAN

Hình như sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo phân biệt nam nữ ?!?

Mấy trang đầu toàn là hình ảnh và lời lẽ của nam giới: Hình Đức Gioan Phaolô II, hình Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, thư của Đức Hồng Y Angelo Sodano và lời giới thiệu của Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino. Thế rồi lời nói đầu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Mấy chương sách đầu, các chương giữa và áp chót thì sao? Ôi chao…

Có vẻ toàn là những tư tưởng thâm sâu của các vị Thánh “nam giới”: Thánh Phaolô, Thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Gioan Kim Khẩu…

Có vẻ toàn là những tư tưởng Công Đồng thật uy nghi (các nghị phụ nam giới).

Có vẻ toàn là tư tưởng vĩ đại của các bậc lãnh đạo Hội Thánh (đương nhiên là nam giới).

Mà các vị nam giới ấy viết về cái gì vậy ?

Thưa, viết về cách thức xây dựng một xã hội sao cho đầy Nhân Bản và Công Lý.

Thưa, viết về 4 nguyên tắc xây dựng xã hội: Nhân Vị, Liên Đới, Công Ích và Bổ Trợ.

Thưa, viết về 4 giá trị để chính quyền và nhân dân chọn làm tiêu chuẩn xây dựng xã hội: Tự Do, Tình Yêu, Công Lý và Chân Lý.

Vậy thì có sao đâu, hay quá chứ ! Việt Nam quê hương tôi đang đòi Công Lý mà !

Dạ đúng vậy. Nhưng sao Phạm Duy lại hát: “Việt Nam không đòi xương máu. Việt Nam kêu gọi thương nhau… Tình yêu đây là khí giới…” Có thấy đòi công lý đâu nhỉ ?

Thưa có chứ. Nhưng phải là “Công Lý của Chúa”, Công Lý viết hoa cơ, vì “các mối quan hệ giữa người với người không thể chỉ được xử lý bằng tiêu chuẩn công lý” và “càng đòi công lý, càng nhiều bất công: Summun jus, summa injuria” (Tóm lược HTXH, số 206).

“Rằng hay thì thật là hay,

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

(Truyện Kiều)

Càng về cuối sách Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, cái “điệu” bi ai về công lý ở thế gian có vẻ càng bi quan hơn nữa. Thưa, chỉ là có vẻ như thế thôi, chứ càng về sau, các tác giả sách dần dần quay sang Tình Yêu. Các vị ấy hướng nhiều về “phụ nữ” và các đức tính của phụ nữ. Xin trưng dẫn:

“Tình yêu là BÀ CHỦ và là NỮ HOÀNG của các đức tính” (581)

“Tình yêu vốn nhẫn nại và nhân hậu… có lòng thương xót” (206).

Các tác giả nam giới ấy ngưỡng vọng hai phụ nữ:

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu viết: “Mọi việc được gọi là công lý của chúng con đều KHIẾM KHUYẾT trước mặt Chúa. Con xin Chúa bảo bọc con trong Công Lý của Chúa. Xin cho con nhận được từ tình yêu của Chúa sự sở hữu vĩnh cửu là chính Ngài” (583 trích từ Truyện Một Tâm Hồn và trích từ Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 2011).

Đức Maria nói: “Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng; Chúa hạ bệ những ai quyền thế; Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; Kẻ giàu có, lại đuổi về tay trắng… Chúa thương xót…” (Lc 1, 50-53).

Lời trên của Đức Maria được các tác giả Học Thuyết Xã Hội Công Giáo đưa vào số 59, nằm trong chương Kế Hoạch Yêu Thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, và sách tuyên xưng rằng: Đức Maria là hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và một vũ trụ được tự do và được giải thoát.

Lúc này ở Việt Nam, ai ai cũng mơ ước nước ta được tự do hơn, được thoát các gông xiềng tội lỗi đang đè oằn oại con dân nước Việt. Đức Maria có những đức tính của người được giải thoát, đã tới miền Tự Do (trong tiếng Anh, Nước Trời được gọi là Freedom – Tự Do). Đâu là bí quyết của Đức Maria để sống trong tự do và giải thoát ? Xin mách cho nhau, hãy tìm câu giải đáp trong quyển Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo.






Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks